Giải pháp nào để “hạ nhiệt” giá xăng dầu?
VOV.VN - Giá xăng liên tục tăng mạnh, xô đổ kỷ lục như hiện nay đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mỗi lít xăng RON 95 “cõng” đến 44% thuế, phí các loại
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường (xăng RON95 là 4.000 đồng, xăng E5RON92 là 3.800 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng). Bên cạnh đó, giá mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập Quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo tính toán, tổng các khoản thuế, phí chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trước đây xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí thì nay chiếm tới 45-50%, do vậy, việc giá xăng dầu tăng cao đã gây thêm khó khăn cho các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách. Bởi khi giá xăng dầu tăng, nếu doanh nghiệp vận tải tăng giá cước có thể sẽ khiến khách càng giảm đi, chưa kể việc tăng giá phải làm các thủ tục, báo cáo cơ quan chức năng.
Vì vậy trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay và vẫn có chiều hướng tăng, ông Liên kiến nghị, Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm kịch khung thuế Bảo vệ môi trường; hoặc miễn, giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
“Bộ Tài chính nên đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng với xăng dầu thì mới có thể hạ nhiệt được mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực thêm nữa cho sản xuất, kinh doanh. Có như vậy thì mới chặn được đà tăng của giá xăng dầu”, ông Liên nói.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng cho biết, giá xăng vừa qua đã tăng đột biến. Mặc dù, Bộ Tài chính đã đưa nhiều giải pháp bình ổn giá và cải thiện đáng kể tình hình tăng giá. Tuy nhiên, để bình ổn giá xăng dầu, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất thuế MFN với xăng dầu giảm xuống 10 hoặc 8% có thời hạn; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt do giá xăng dầu tăng; xem xét quy định về thuế nhà thầu với kho ngoại quan; quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Dẫn chứng thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, khi giá xăng dầu tăng "thẳng đứng", nhiều quốc gia phải tìm cách hãm đà tăng của loại nhiên liệu này thông qua các biện pháp giảm thuế, phí.
Tại Thái Lan, Chính phủ đã cắt giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht. Cùng với giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít. Tại Hàn Quốc, Chính phủ áp dụng quy định giảm 20% thuế xăng dầu cho tới cuối tháng 7 và bỏ ngỏ khả năng tăng thêm mức giảm thuế lên 30% nếu giá xăng dầu thế giới không suy giảm. Nhiều quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để hạ nhiệt giá năng lượng.
Theo ông Lâm, hiện nay, với các chương trình phục hồi kinh tế của các quốc gia, tổng cầu thế giới tăng cao; bất ổn địa chính trị và các biện pháp cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga, dự báo giá xăng dầu thế giới vẫn tăng ở mức cao. Đối với kinh tế Việt Nam, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới có thể kìm hãm đà tăng của mặt hàng này.
“Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để "hạ nhiệt" giá xăng dầu
Còn theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, việc bình ổn giá xăng dầu phải qua rất nhiều phương thức, nhưng cơ bản là tăng nguồn cung. Việc giảm thuế, phí chỉ là biện pháp tức thời và điều chỉnh nhanh để giảm các cấu thành chi phí trong “giáo án giá”.
“Điều chỉnh nguồn cung là cái rất cơ bản và nguồn cung thì có thể từ trong nước như tăng cường khai thác lọc hóa dầu trong nước. Tăng các nguồn cung về dự trữ để có một lượng dự trữ đủ lớn thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi biến động bên ngoài. Và nếu như có các nguồn nhập khẩu với một mức giá phù hợp thì đấy chính là một cách để tăng nguồn cung rất quan trọng”, GS. TS. Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan Nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy khi giá dầu thế giới tăng, DN cũng phải mạnh tay chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay, bởi vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tiếp tục giảm thêm thuế, phí để chặn đà tăng của giá xăng, dầu.
Trong buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, để bình ổn xăng dầu, thứ nhất là phải tìm được nguồn cung dồi dào nhưng giá rẻ. Thứ hai là liên quan đến thuế. Về giải pháp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế.
Hiện nay, trong cơ cấu giá xăng có các sắc thuế gồm thuế nhập khẩu, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm tiếp 1.000 đồng/lít; còn về thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giảm phải trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, đồng thời với giảm thuế thì cần phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu. Tư lệnh ngành Tài chính cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề nêu trên để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ổn định đời sống nhân dân./.