Giải pháp nào để khơi thông dòng chảy hàng hóa qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải?
VOV.VN - Là một trong 2 cảng cửa ngõ được xếp loại đặc biệt của Việt Nam (cùng với Hải Phòng), trong những năm qua, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, để khơi thông hàng hoá xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, cụm cảng này cần tháo gỡ “điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông kết nối, cải cách thủ tục hành chính, hải quan, kiểm tra chuyên ngành...
Lợi ích quốc gia là trên hết
Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Công ty TNHH cảng Tân Cảng – Cái Mép, từ khi đưa vào khai thác vào năm 2009, Cái Mép – Thị Vải có vai trò rất quan trọng trong xuất, nhập khẩu hàng hoá ra thế giới. Dù các cơ quan liên ngành đã đặt trụ sở, thiết bị soi chiếu, kiểm tra, quản lý rủi ro… tại cảng để từng bước đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện về thời gian cho chủ hàng làm thủ tục trực tiếp tại Cái Mép – Thị Vải, tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, trong tương lai lượng hàng hoá qua cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ tăng. Nếu không có nguồn nhân lực bổ sung cho công tác thông quan thì đây cũng sẽ là một “điểm nghẽn”.
"Khi lượng hàng hoá, nhu cầu khách hàng đến khu vực Cái Mép nhiều, rất mong các ngành chức năng đầu tư tại các cảng máy soi chiếu cố định, cũng như có cơ chế hỗ trợ việc soi chiếu hàng hoá, đặc biệt phải bổ sung nguồn nhân lực. Nếu chúng ta không có nguồn nhân lực để để đáp ứng nhu cầu này thì đó cũng là một điểm nghẽn."- ông Phúc nói.
Còn ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm tư vấn xây dựng Đề án “Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” cho rằng, để khơi thông hàng hoá xuất khẩu qua Cái Mép – Thị Vải rất cần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái các cụm ngành kinh tế hàng hải một cách trọng tâm và tạo đột phá dựa trên các lợi thế sẵn có và nhu cầu phát triển đặt ra.
Cũng theo ông Tuấn, phát triển hệ thống logistics phải gắn với phát triển kinh tế biển thông qua tích hợp sâu hoạt động cảng biển – vận tải biển – dịch vụ hàng hoá trong cung cấp dịch vụ logistics; phát triển hạ tầng cảng, phát triển hệ thống giao thông vận tải đến – đi từ cảng. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tại cảng; nâng cao lưu lượng hàng hóa được vận chuyển qua cảng đến các trung tâm kinh tế trong vùng và thế giới; giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong vùng.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, phải xem Cái Mép – Thị Vải là trung tâm kinh tế biển của quốc gia, chứ không phải của Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc của vùng: "Theo tôi thì phải trên tinh thần NQ 24 của Bộ Chính trị và NQ 154 của Chính phủ, là tiếp tục phát triển Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế, đây không phải cho riêng Bà Rịa – Vũng Tàu, mà chúng ta phải xem rằng là cảng chiến lược. Trước hết là phải của vùng Đông Nam Bộ, rộng hơn là phía Nam và hơn nữa là của quốc gia. Khi chúng ta nhìn nhận như thế thì mới huy động được sự vào cuộc các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng".
Xứng tầm là cảng cửa ngõ
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 154/NQ-CP, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai xây dựng Đề án “Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” và “tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực Châu Á và thế giới”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cảng và kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết: theo đề án, đến năm 2030 khu vực này sẽ thu hút 10% lượng hàng container trung chuyển quốc tế (hơn 350 ngàn TEU, 4-5%); giai đoạn 2030-2050 sẽ đạt từ 20-25% về lâu dài sẽ là 50% lượng container trung chuyển quốc tế qua Cái Mép – Thị Vải.
Ông Tuấn cho biết, để đạt được mục tiêu trên thì có nhiều giải pháp cần khuyến khích, như điều tiết hàng hoá (từ Bình Định trở vào) để đi biển xa; giảm phí hàng hải; có cơ chế khuyến khích các đơn vị vận tải biển trong nước tham gia gom hàng thay vì chỉ làm dịch vụ.
"Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải phải là cơ quan trực tiếp điều phối hàng hoá xuất, nhập khẩu qua khu vực Cái Mép – Thị Vải; áp dụng linh hoạt khung giá xếp dỡ container đối với các khu vực, để cạnh tranh lành mạnh. Về hạ tầng, chúng tôi kỳ vọng đưa vào khai thác tuyến giao thông liên cảng kết nối với cầu Phước An (Đồng Nai). Từ đây hàng hoá từ vùng Tây Nam Bộ có thể qua cao tốc Bến Lức – Long Thành trực tiếp đến khu vực này."- ông Tuấn nói:
Từ những ngày đầu được quy hoạch cho đến nay, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải luôn được Trung ương định hướng vai trò là cửa ngõ giao thương, hội nhập quốc tế, không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Với tầm quan trọng trên, trong tương lai, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục có những giải pháp tích cực, nhằm thu hút hơn nữa nhiều doanh nghiệp sử dụng cụm cảng Cái Mép – Thị Vải để thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.