Giảm chi phí logistics, đề xuất TP.HCM xây thêm cảng biển trung chuyển
VOV.VN - Doanh nghiệp đề xuất TP.HCM xây dựng cảng biển trung chuyển tại Cần Giờ theo hướng kết nối vùng để trung chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải về TP.HCM.
Sáng nay (4/7), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (IPTC) tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP.HCM, hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng.
TP.HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, với mức tăng trưởng doanh thu đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2023. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ và cơ sở hạ tầng logistics của thành phố còn nhiều hạn chế nên chi phí dịch vụ cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, để phát triển logistics, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ theo hướng cảng điện tử.
TP.HCM phải đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhất là đường Vành đai 3, Vành đai 4 và quy hoạch hệ thống cảng biển hiệu quả. Vì sắp tới thành phố sẽ di dời một số cảng ở khu vực Quận 7, trong khi cảng Cát Lái đang quá tải.
Theo ông Trương Nguyên Linh, UVBCH, Phó Ban Nghiên cứu - Đào tạo Hiệp Hội Logistics TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh phát triển Tiếp vận số 1 (VICT), TP.HCM nên xây dựng cảng biển trung chuyển tại Cần Giờ. Cảng này xây dựng theo hướng kết nối vùng để trung chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) về TP.HCM. Song song đó, thành phố cần đẩy mạnh mở rộng các tuyến đường kết nối vào các cảng biển; khẩn trương xây dựng 8 trung tâm logistics và xây dựng các bến thủy nội địa.
“Quy hoạch bến thủy nội địa trong phạm vi TP.HCM để phát triển vận tải logistics, vì vấn đề kết nối của doanh nghiệp không chỉ giữa các cảng biển, các cảng trung chuyển mà còn chuyển hàng vào bến thủy nội địa. Doanh nghiệp cần TP.HCM quy hoạch cụ thể, rõ ràng để có kế hoạch cho kinh doanh, kết nối nhanh chóng và nâng cao năng lực”, ông Linh đề xuất.