Giảm giá điện: Cần có chính sách hỗ trợ lớn hơn cho người nghèo

VOV.VN - Việc hỗ trợ cần căn cứ vào số liệu đầy đủ mới có thể đánh giá mức độ thiệt hại và ảnh hưởng đến đâu.

Trước sự đồng ý của Chính phủ về gói hỗ trợ lên tới 11.000 tỷ đồng thông qua giảm giá điện cho các hộ tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần có ngay hướng dẫn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để sớm triển khai đưa vào thực hiện, nhưng nên tập trung vào các đối tượng khó khăn nhiều hơn thay vì dàn trải.

dien 1.jpg
Việc hỗ trợ cần căn cứ vào số liệu đầy đủ mới có thể đánh giá mức độ thiệt hại và ảnh hưởng đến đâu.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài Chính cho rằng, việc Bộ Công Thương trình Chính phủ phương án giảm 10% giá điện cho doanh nghiệp và người dân  trong 3 tháng (4, 5 và 6) là rất đáng ghi nhận, song cần phải ban hành ngay các hướng dẫn để EVN triển khai thực hiện. Tuy nhiên nên tính đến phương án hỗ trợ lớn hơn cho người nghèo cũng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn thay vì dàn trải cho mọi đối tượng.

“Tôi thấy cách tính của ngành điện đã hỗ trợ được cho khoảng 87,67% hộ tiêu dùng từ 0 đến 300kWh/tháng - tức là mức tiêu dùng mang tính phổ biến của xã hội. Thế nhưng để giải quyết khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho các hộ tiêu dùng điện hiện nay thì nên tính toán thêm, giảm giá thêm cho đối tượng là các hộ mà khả năng thanh toán thấp như các hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ, các hộ gia đình chính sách…”, ông Thỏa đề xuất.

“Chúng ta cấp không cho họ phần điện họ tiêu dùng ở số hộ nghèo, cần tính toán để có chính sách hỗ trợ thực sự cho người nghèo trong bối cảnh khó khăn mà không có thu nhập gì lúc có dịch như thế này…”, ông Thỏa nói thêm.

Đồng quan điểm không dàn trải trong chính sách hỗ trợ mà tập trung cho các đối tượng khó khăn nhiều hơn, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, Bộ Công Thương cần có những nghiên cứu cụ thể về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp hiện nay ra sao, tiêu dùng điện sinh hoạt trong dân là như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh covid hiện nay. Có như vậy mới có được chính sách đúng đăn và cho hiệu quả thực chất.

Việc cân đối tính toán như thế nào cần phải có thống kê theo dõi, từ đó mới có cân đối hợp lý hơn – cụ thể là các đối tượng được hỗ trợ là bao nhiêu, số tiền dự kiến để hỗ trợ là bao nhiêu… Sự lo ngại của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước cũng như Bộ Tài chính là có cơ sở.

Theo TS Hà Đăng Sơn, hiện chưa có đủ số liệu để đánh giá mức độ thiệt hại đến đâu, ảnh hưởng đến đâu. Và ngay cả Bộ Công Thương hiện cũng chỉ dựa trên cơ sở ước tính theo tác động có thể có chứ cũng chưa có những số liệu đầy đủ hơn, thể hiện đúng các tác động trong giai đoạn vừa qua… Do đó, việc đánh giá tác động và đưa ra tính toán phải được thể hiện rất rõ, cần phải có sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan liên quan của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực để có được báo cáo tường minh cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan nữa như Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn…

“Có như vậy, chúng ta mới hiểu được chương trình hỗ trợ được đến đâu, và có thể kéo dài được đến mức độ nào, chứ không thể chỉ ước tính bằng cách giản đơn như thế này… Tôi thấy hơi rủi ro trong vấn đề liệu có ảnh hưởng tới năng lực tài chính của Tập đoàn Điện lực hay không…”, TS Hà Đăng Sơn nói.

Cần phải rõ ràng, chi tiết trong việc ban hành các hướng dẫn là yêu cầu của PGS, TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp bộ môn kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đối với Bộ Công Thương, tránh sự hiểu sai, dễ gây nhầm lẫn trong việc triển khai trên thực tế. Lý do được đưa ra là bởi ngay tại Báo cáo của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm giá điện, đã không rõ ràng về việc chỉ có các hộ dùng dưới 300kWh điện/tháng được hưởng chính sách giá điện giảm 10%, hay tất cả các hộ dùng điện đều được hưởng chính sách này.

PGS, TS Bùi Xuân Hồi cho rằng: “Vì là chính sách cho nên tôi đề nghị là những người ban hành chính sách phải có công bố chính thức quyết định về giá điện. Bởi vì quyết định về giá điện là quyết định của Chính phủ, không phải là quyết định của EVN. Do đó, việc giảm giá khi đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho những người triển khai và có căn cứ thực hiện”.

Còn EVN, sau khi có văn bản hướng dẫn quá trình triển khai giảm giá phải gửi tới khách hàng những thông điệp rất rõ ràng trên hóa đơn tiền điện, dù là phát hành trực tiếp hay là gửi qua tin nhắn thoại. Bởi tâm lý chung của người tiêu dùng là giảm giá, cho nên khi nhận thông báo tiền điện là họ nghĩ ngay đến việc hóa đơn tiền điện nhà họ giảm. Nhưng thực chất có thể do việc tiêu dùng nhiều dẫn đến việc hóa đơn tiền điện vẫn tăng cao.

“Hóa đơn tiền điện trong 3 tháng này phải thể hiện rõ các thông tin: sản lượng tiêu dùng trong kỳ tính giá, đơn giá áp dụng và chi phí tiêu dùng điện khi chưa giảm giá, mức giảm giá theo quy định của Chính phủ là bao nhiêu… Từ đó chi phí thanh toán thực sau giảm giá là bao nhiêu. Chỉ có như thế mới tránh được những thắc mắc của người tiêu dùng trong vấn đề giảm giá điện mà Chính phủ đã đưa ra…”, PGS, TS Bùi Xuân Hồi chỉ rõ.

Theo yêu cầu của Bộ Tài Chính và Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, việc giảm giá điện và hỗ trợ tiền điện của EVN cho các đối tượng khách hàng phải được lấy từ doanh thu, lợi nhuận. Việc giảm các chi phí của tập đoàn này, không được “treo lỗ” cũng như gây sức ép tăng giá điện trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh hạn hán, các nguồn thủy điện có giá thành thấp hơn đang rất khó khăn, đồng thời phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn như điện than, điện khí và năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Ngoài ra, để đồng hành, chia sẻ cùng ngành điện cũng như Chính phủ và giảm các khoản chi tiêu của chính các gia đình, giới chuyên gia cũng khuyến nghị người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đấu thầu để xác định giá bán điện mặt trời: Khi nào thực hiện được?
Đấu thầu để xác định giá bán điện mặt trời: Khi nào thực hiện được?

VOV.VN-Đồng ý với phương án đấu thầu các dự án điện, song nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi còn thiếu cơ sở hạ tầng để thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu.

Đấu thầu để xác định giá bán điện mặt trời: Khi nào thực hiện được?

Đấu thầu để xác định giá bán điện mặt trời: Khi nào thực hiện được?

VOV.VN-Đồng ý với phương án đấu thầu các dự án điện, song nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi còn thiếu cơ sở hạ tầng để thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu.

Phát triển năng lượng tái tạo: Điểm “nóng” vẫn là truyền tải điện
Phát triển năng lượng tái tạo: Điểm “nóng” vẫn là truyền tải điện

VOV.VN - Các dự án điện tái tạo khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất.

Phát triển năng lượng tái tạo: Điểm “nóng” vẫn là truyền tải điện

Phát triển năng lượng tái tạo: Điểm “nóng” vẫn là truyền tải điện

VOV.VN - Các dự án điện tái tạo khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất.

Phát triển nguồn điện mặt trời vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế
Phát triển nguồn điện mặt trời vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế

VOV.VN - Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019...

Phát triển nguồn điện mặt trời vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế

Phát triển nguồn điện mặt trời vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế

VOV.VN - Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019...