Giao dịch điện tử: Luật không còn theo kịp thực tiễn

VOV.VN-Với sự phát triển “bùng nổ” của công nghệ, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã lộ ra nhiều bất cập làm hạn chế sự phát triển thị trường giao dịch điện tử.

Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động. Các giao dịch kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử đều được ký số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các giao dịch.

Thống kê của Sách trắng Thương mại điện tử 2019 cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc triển khai hợp đồng, chữ ký số, xác thực và thanh toán điện tử hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, làm hạn chế sự phát triển của giao dịch điện tử dù Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế số.

Với sự phát triển “bùng nổ” của công nghệ, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã lộ ra nhiều bất cập làm hạn chế sự phát triển thị trường giao dịch điện tử.

Luật chưa theo kịp sự phát triển vượt bậc của thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng, sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển, như thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi,... dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống.

Việc thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử cũng gây khó khăn trong việc triển khai giao dịch điện tử.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ rõ, một số quy định Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đến nay đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc ứng dụng đa dạng các giải pháp, công nghệ nhằm số hóa dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, quy định hiện tại chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ ràng về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, đồng thời thiếu quy định về giao kết và hợp đồng điện tử.

“Quy định hiện tại không mô tả rõ ràng định nghĩa chữ ký điện tử cũng như chưa có hướng dẫn thỏa mãn điều kiện về tính pháp lý của chữ ký điện tử. Ngoài ra theo Luật Giao dịch điện tử, có hai mức độ chữ ký điện tử: cơ bản và chữ ký điện tử bảo đảm an toàn, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về trường hợp sử dụng các mức độ chữ ký điện tử. Điều này dẫn đến việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thực tế còn chưa khả thi như mong muốn”, ông Dũng cho hay.

Trước ngưỡng cửa cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự nổi lên của nền kinh tế số tại Việt Nam, chữ ký điện tử (chữ ký số) hiện là một trong những công cụ đắc lực nhất cho phục vụ chuyển đổi số.

Do đó, khuôn khổ pháp lý về chữ ký điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán số cần hướng đến hai tiêu chí là tập trung vào bối cảnh xung quanh công đoạn ký, làm rõ được danh tính, ý định ký và thao tác thêm chữ ký vào thông điệp dữ liệu của chủ thể; Cùng với đó cân đối giữa rủi ro của giao dịch điện tử và tiện ích, chi phí đối với các chủ thể tham gia giao dịch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên