Giới đầu tư và đầu cơ bất động sản sợ Thông tư 36 sửa đổi?
VOV.VN -Theo Ngân hàng Nhà nước, người đầu cơ BĐS và chủ đầu tư BĐS có năng lực tài chính yếu kém thì sợ Thông tư 36 sửa đổi.
Tiếp tục câu chuyện dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước khiến dư luận cho rằng, quy định mới sẽ thắt chặt tín dụng cho bất động sản (BĐS). Bên cạnh việc khẳng định không có cơ sở cho rằng sửa đổi thông tư 36 dẫn đến giảm tín dụng đầu tư cho lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước còn cho rằng: Người đầu cơ BĐS và chủ đầu tư BĐS có năng lực tài chính yếu kém thì sợ quy định mới nhất.
NHNN khẳng định tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển lành mạnh (Ảnh minh họa: KT) |
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phân tích: Hệ thống các tổ chức tín dụng vừa trải qua thời kỳ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đau đớn, vết thương còn chưa lành, tổn thất chưa khắc phục xong mà một trong những nguyên nhân chính là rủi ro bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, những rủi ro mới có chiều hướng gia tăng trong hoạt động dụng ngân hàng trong năm 2015, cụ thể: Tín dụng trung, dài hạn tăng rất nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (theo chiều hướng tăng liên tục, năm 2013: +43,1%; năm 2014: +45,4%) làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Đặt vấn đề: ai sợ quy định mới tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 nhất? Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Chắc chắn là người đầu cơ BĐS và chủ đầu tư BĐS có năng lực tài chính yếu kém. Đây cũng là 2 đối tượng dễ đẩy thị trường BĐS phát triển không lành mạnh và hình thành bong bóng BĐS, nếu không có chính sách và biện pháp quản lý hữu hiệu. Người mua nhà để ở, người thuộc các đối tượng tham gia các chương trình, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ và người mua BĐS không vì mục tiêu kinh doanh không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi quy định của Thông tư 36.
Quan điểm của NHNN là đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững. Chính vì thế, NHNN cho biết, mục tiêu của NHNN xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư 36 là để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững.
NHNN kỳ vọng quy định mới về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn và điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS sẽ tạo động lực cho NHTM cấp tín dụng trung, dài hạn một cách thận trọng hơn và sàng lọc, lựa chọn cho vay đối với những khách hàng có rủi ro thấp, hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Đồng thời, NHNN cam kết sẽ xem xét thận trọng đến nội dung thời điểm hiệu lực và lộ trình thực hiện của một số quy định mới tại dự thảo Thông tư nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và các bên có liên quan./.