Giới hạn dự án đầu tư PPP từ 200 tỷ đồng là hạn chế doanh nghiệp?
VOV.VN - Còn nhiều ý kiến trái chiều với quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng của Dự thảo Luật Đầu tư đối tác công tư (PPP).
Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đầu tư đối tác công tư (PPP) hôm nay (11/11), nhiều đại biểu cho rằng quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng có thể vô hình chung loại doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Quy định hạn mức tối thiểu 200 tỷ đồng cho dự án PPP còn gây nhiều tranh cãi. |
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng, bởi lẽ do phương thức hiện các dự án PPP mất thời gian, phức tạp hơn nên ưu tiên cho các dự án quy mô; Còn đối với dự án có quy mô nhỏ hơn 200 tỷ đồng có thể thực hiện theo phương thức khác.
Hạn mức 200 tỷ đồng có hạn chế DN?
Đối với lĩnh vực này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có hai loại ý kiến gồm: dự thảo Luật quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Việc quy định tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án nhằm tránh việc đầu tư dàn trải và xác định ưu tiên đầu tư cho những dự án cần nguồn lực lớn, quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, ý kiến thứ hai cho rằng, không nên quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong dự thảo Luật, vì sẽ tạo nên sự cứng nhắc, không linh hoạt trong lựa chọn phương thức đầu tư của các nhà đầu tư. Việc quy định một hạn mức cụ thể tại dự thảo Luật có thể ảnh hưởng tới tính khả thi của Luật, đồng thời sẽ gây khó khăn đối với các dự án có quy mô dưới 200 tỷ đồng nhưng tác động lớn về kinh tế - xã hội, có tính cộng đồng và thiết yếu đối với người dân như các dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế... và các dự án tại các địa phương thường có quy mô nhỏ.
Vô hình chung loại doanh nghiệp tư nhân khỏi dự án PPP?
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TPHCM) cho rằng, 98% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ. Với quy định quy mô dự án PPP tối thiểu 200 tỷ đồng, vô hình chung loại doanh nghiệp tư nhân ra khỏi lĩnh vực này, trong khi việc cung cấp nhiều dịch vụ công hiện nay không cần quy mô đến 200 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân vẫn làm tốt.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TPHCM) |
“Nhiều dịch vụ công ích hằng ngày như dọn vệ sinh đường phố, cống, trồng cây… hoàn toàn không cần sử dụng công ty công ích nhà nước mà là hợp tác công tư bằng những dự án PPP hết sức cụ thể để đấu thầu. Thực tế là nhiều doanh nghiệp tư nhân làm tốt, với chi phí thấp hơn nhiều so với nhà nước thực hiện”, đại biểu đoàn TPHCM phân tích.
“Đấy cũng là hình thức hợp tác công tư nhưng không phải là đầu tư theo kiểu hạ tầng và cũng không cần quy mô đến 200 tỷ đồng, nhưng cần được khuyến khích theo dự án PPP. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tách bạch rõ, nếu đầu tư theo hạ tầng thì hạn mức 200 tỷ đồng là đúng, còn đối với các sản phẩm dịch vụ công thì hạn mức mềm hơn”, ông Dũng nói.
Ông Dũng kiến nghị cần xây dựng hai khung quy mô gồm hạn mức 200 tỷ đồng cho dự án về cơ sở hạ tầng và hạn mức nhỏ hơn 200 tỷ đồng cho sản phẩm dịch vụ công dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với thủ tục đơn giản, rút gọn. Nhất là khi chủ trương của nước ta hiện nay là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) cho rằng không nên quy định “cứng” hạn mức 200 tỷ đồng do hạn mức này tùy lĩnh vực có thể thấp, có thể cao. Do đó, nên ủy quyền cho Chính phủ quyết định để thu hút nguồn lực tối đa cho phát triển.
“Giá trị sẽ thay đổi theo điều kiện thực tế trong khi Luật thì có thời hạn 10-15 năm. Lúc này 200 tỷ đồng tương đương khoảng 8-9 triệu USD. Tuy nhiên, sau một thời gian nữa, đồng tiền mất giá, tỷ giá thay đổi… quy mô sẽ không còn như vậy nữa. Do đó, tôi đề nghị vấn đề này nên giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để quyết định”, ông Quốc đề xuất./. Đối với dự án PPP: Lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu