Gỡ khó nông nghiệp đô thị ở TPHCM
VOV.VN - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, toàn TP đang có khoảng 114.000 ha diện tích đất nông nghiệp, tuy nhiên mỗi năm đang giảm khoảng 500 ha do quá trình đô thị hóa.
Diện tích đất thu hẹp đòi hỏi người nông dân phải chuyển hướng sang hình thức nông nghiệp đô thị phù hợp. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi khá khó khăn do vướng mắc khi xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn
Sau khi Đề án số 3680 được UBND TPHCM ban hành ngày 25/9/2020, trong đó hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác, người dân tại 3 huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè đã chính thức được hướng dẫn để lập hồ sơ dự án, xin thủ tục, cấp phép cho việc xây nhà màng, nhà lưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Là chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, ông Trần Văn Tấn nhận thấy lợi ích kinh tế mà nấm mối đen mang lại nên mạnh dạn nghĩ đến mở rộng diện tích trồng nấm và đầu tư cho sản xuất phôi giống tại chỗ để giảm phụ thuộc ở nguồn cung cấp. Tuy nhiên, HTX gặp khó trong vấn đề xin giấy phép xây dựng cơ sở, dẫn đến nhiều khó khăn khác khi tiếp cận nguồn vốn.
“Không được xây dựng trên đất nông nghiệp, khi mình đã có kỹ thuật viên phụ trách nhưng phải chờ đợi rồi người ta phải đi làm việc khác. Ở huyện có nhiều khoản hỗ trợ cho vay 1-2 tỷ với lãi suất hỗ trợ, nhưng đòi hỏi phải có được giấy phép xây dựng của cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” - ông Tấn nói.
Nhiều HTX và nông dân trên địa bàn quận Bình Tân và Quận 9 - những khu vực ngoài phạm vi thí điểm ban đầu, cũng trông chờ TP sớm tạo điều kiện để thí điểm mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Vợ chồng anh Đặng Hữu Nhu sau 10 năm làm nông trại tại Hàn Quốc đã gom góp được một số vốn trở về nước với hy vọng phát triển nhiều loại rau củ giá trị gia tăng cao ngay trên quê hương mình. Dự án được khởi động bằng một khu nhà màng rộng 250 m2 tại Quận Bình Tân. So với mục tiêu đặt ra là 2.600 m2 thì con số này còn rất khiêm tốn. Chính vì thế sản lượng chưa nhiều khiến gia đình anh Nhu lo âu vì “duy trì quy mô nhỏ dẫn đến chi phí cao, nhưng mở rộng thì không thể do vướng thủ tục, quy trình".
“Khi tôi mở rộng mô hình trồng thì phía chính quyền sợ mình làm sai mục đích, cho nên khó khăn ở giấy tờ, thủ tục. Tôi cũng đam mê, quyết tâm nên Hội Nông dân quận cũng xin cho tôi thực hiện dự án. Bởi vì cơ quan chức năng không cho xây dựng nên chỉ cho phép 30 m2 để làm nhà để thùng phân bón thôi” - anh Nhu cho biết.
Liên kết sản xuất với các hợp tác xã
HTX Tuấn Ngọc, Quận 9 được Hội nông dân TPHCM lựa chọn là mô hình điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhờ chủ động ươm giống và trồng rau thuỷ canh trên diện tích 10.000 m2, mỗi ngày HTX thu hoạch được từ 800- 1.000 kg rau các loại. Thành công của dự án, HTX này cam kết với địa phương chỉ làm nông nghiệp.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám Đốc HTX Tuấn Ngọc cho biết, người dân muốn tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phải lập dự án đầu tư và chứng minh nguồn vốn khi đầu tư sản xuất nông nghiệp. Các HTX sẽ tham gia hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ “bảo lãnh uy tín” cho các tập thể, cá nhân thực sự có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
“Liên hệ với HTX để cùng nhau lên UBND quận để bảo lãnh hợp tác thành lập theo hướng xã viên của HTX. Theo đó chính quyền sẽ tin vào người đó hơn, bởi vì uy tín của HTX là làm đâu đúng đó cho nên cũng tạo được uy tín của chính quyền địa phương tại quận” - ông Tuấn nói.
Nhiều năm nay, Hội nông dân TPHCM đã tổ chức nhiều khoá tập huấn về kỹ thuật sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho nông dân các quận huyện, đồng thời giúp nông dân tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng cũng như các chính sách hỗ trợ khác.
Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân TPHCM kiến nghị: “Nông dân cần sự hỗ trợ từ nhà nước về cơ chế chính sách. Thứ nhất, về vấn đề vốn cho sản xuất cho nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ngoài ra về công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp thì nông dân cũng cần được chính quyền hướng dẫn về xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kho, xây dựng các trụ sở HTX nông nghiệp trên địa bàn”.
Theo ông Thanh, để HTX và nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ gặp được nhau, nông dân và các HTX phải giải quyết được bài toán “chuỗi giá trị”, cụ thể là nông dân sẽ tập trung hoàn toàn vào sản xuất, còn đầu ra được các HTX bao tiêu, thay vì mỗi cá thể phải tự loay hoay đầu tư, trồng trọt và mang sản phẩm của mình tiêu thụ. Đồng thời phải đảm bảo cho nông dân được cập nhật thường xuyên tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí phân bón, giống cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản và giảm thiểu rủi ro về đầu ra cho sản phẩm./.