GS Võ Tòng Xuân: Quên ngay cụm từ 'vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long'

VOV.VN - Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, cần phải bỏ ngay tư duy “vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long”, phải dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa...

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, cần phải bỏ ngay tư duy “vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long”, phải dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, mà phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân ở ĐBSCL.

Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL0 thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại TP Cần Thơ với sự tham dự của trên 500 đại biểu. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL, nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà nông học đặc biệt tâm huyết với nền nông nghiệp ĐBSCL gửi đến VTC News bài viết đầy trăn trở liên quan đến vấn đề này.

Cách đây 49 năm, tôi cùng đoàn thanh niên Á Châu sang thăm Malaysia, đất nước đang có nhiều cao su và quặng kẽm này. Vậy mà Thủ tướng Tungku Abdul Rahman đã làm chúng tôi kinh ngạc với ý tưởng có thể nói là ‘điên rồ’ của ông. Càng về sau này, tôi càng cảm phục tầm nhìn xuyên thời gian của ông.

Khi đó, ông Tunku say sưa giảng cho chúng tôi rằng trong vòng 20 năm nữa Malaysia sẽ là nước chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dầu cọ. Nhóm thanh niên chúng tôi rất ngạc nhiên với sự quả quyết đó, nhất là khi chúng tôi không hiểu rõ cây cọ dầu là thứ gì mà được chú ý hơn cây lúa như vậy.

Ông Tunku giải thích: Chọn cây cọ dầu làm cây chiến lược, vì đó là nguyên liệu cần thiết sản xuất ra dầu cọ cho bữa ăn hằng ngày của người nào muốn ăn chất béo ngon nhưng chất cholesterol trong máu không tăng. Ông chắc chắn mọi người - nhất là những người giàu - sẽ là khách hàng thường xuyên mua dầu cọ.

Thị trường là mắt xích được xác định đầu tiên trong chuỗi giá trị kế hoạch phát triển nông thôn tích hợp. Các khâu kế tiếp được tổ chức một cách đồng bộ nhắm vào đích chiếm lĩnh thị trường bằng một loạt biện pháp chính sách. Chiến lược của Thủ tướng Tungku nhằm vào hai đối tượng: các doanh nghiệp có vốn sản xuất và hàng vạn người dân nghèo ở thành phố và nông thôn không đất đai canh tác.

Đối với doanh nghiệp đang sản xuất, ông Tunku đặt ra chính sách khuyến khích họ hưởng ứng kế hoạch trồng cọ dầu, cụ thể là chính phủ đầu tư nghiên cứu giống cọ dầu tốt nhất, phương pháp canh tác thích hợp nhất cho các vùng đất cọ dầu khác nhau của Malaysia.

Đồng thời chính phủ công bố chính sách miễn thuế 10 năm đầu cho những ai đầu tư trồng cọ dầu trên đất mới khai phá, và miễn thuế năm năm đầu cho những trang trại cao su già cỗi chuyển sang trồng cọ dầu. Đối với những người dân khai khẩn đất mới để trồng cọ dầu, Nhà nước cho vay ưu đãi để họ hăng hái bỏ công sức lập trang trại cọ dầu.

Đối với dân nghèo, không đất canh tác, ông Tungku giao cho Bộ Nông nghiệp và Bộ Kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất trên đất rừng đang khai thác. Vốn Ngân hàng Thế giới được dùng xây dựng cơ sở hạ tầng, xây nhà ở cho nông trường viên và họ phải trả trong vòng 20 năm theo qui định của Ngân hàng Thế giới.

Khi cây cọ có trái, chủ hộ thu hoạch trái cọ dầu, giao cho nhà máy sơ chế trong nông trường, và bắt đầu được trừ nợ. Phần lớn họ trả xong nợ trong vòng 15 năm, cái nhà và lô đất hoàn toàn thuộc quyền sở hửu của chủ hộ. Song song với hoạt động nghiên cứu nông nghiệp, Nhà nước giao Viện Nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm từ dầu cọ, và khuyến khích xây dựng các nhà máy tinh chế dầu cọ xuất khẩu.

Chánh phủ Malaysia đồng thời cũng lập thêm Cục Xúc tiến tiêu thụ dầu cọ đi khắp nơi trên thế giới để giới thiệu các mặt hàng từ dầu cọ. Tố chất “đồng bộ” trong thực hiện kế hoạch phát triển nông công nghiệp và thương mãi dầu cọ trên đây đã bảo đảm ngôi vị quốc gia xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới từ năm 1988, đúng như đường hướng vạch ra 20 năm trước của vị lãnh tụ chiến lược tài giỏi của Malaysia.

Đây chính là quy hoạch tích hợp mà mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL cần phải hướng tới để khu vực này thật sự chuyển mình, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với cơ cấu cây trồng vật nuôi được tích hợp hoàn chỉnh mà không cần đến danh tiếng “vựa lúa ĐBSCL” nữa.

Mỗi người một phách

Suốt hơn 40 năm thống nhất đất nước, chính sách an ninh lương thực (ANLT) đã ăn sâu vào tư duy của từng người nông dân và lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất các cấp.

 Giáo sư Võ Tòng Xuân (phải) tại một trung tâm nghiên cứu giống cây trồng

Nhà nước hầu hết đầu tư tổ chức sản xuất nông nghiệp chỉ cho cây lúa, từ hệ thống thủy lợi dẫn ngọt và ngăn mặn – không màng gì đến phí tổn rất cao của nhà nước mà không hiệu quả kinh tế và thiệt hại về lợi tức của nông dân trồng lúa, cho dù Việt Nam xuất khẩu gạo nhì, ba trên thế giới.

Bởi vậy, ngoài tuyệt đại đa số nông dân trồng lúa, chỉ có một ít nông dân cá thể trồng cây ăn quả, nuôi tôm, nuôi cá. Tuy nhiên, đáng tiếc đó lại là phong trào tự phát, không được hệ thống nhà nước đầu tư vì trái chủ trương an ninh lương thực.

Nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp chủ yếu phục vụ cơ giới hóa trồng lúa từ chuẩn bị đất đến thu hoạch và sau thu hoạch như sấy lúa, xay xát. Nhà máy chế biến ra gạo thường không truy nguyên được nguồn gốc vì phần lớn lúa qua thương lái mua gom. Thực tế này dẫn đến tình trạng gạo phần lớn không thương hiệu.

Chỉ một phần công nghiệp phục vụ chế biến thủy hải sản và trái cây, nhưng chủ yếu là đầu tư tự phát, mua nguyên liệu qua thương lái theo kiểu “ăn xổi ở thì,” không thể truy nguyên nguồn gốc, thành phẩm không thương hiệu nổi tiếng.

Nông dân trồng cây ăn quả tự phát, nhà máy chế biến cũng tự phát, chưa đạt mức hiện đại: cả hai bên không gắn kết nhau được vì nhà nước không có biện pháp cho những cây trồng ngoài lúa, nên không ai quy hoạch vùng trồng nguyên liệu.

Nhiều chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL đã được ban hành, nhưng không thể thực hiện hoặc rất khó thực hiện vì không có chỉ đạo xuyên suốt. Có thể thấy rõ các lãnh đạo đều lúng túng không biết phải phá vỡ quán tính trồng lúa như thế nào.

Trong khi đó, quy hoạch vùng nông nghiệp thường là duy ý chí thay vì theo nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị, do đó bản đồ quy hoạch thường là để trang trí hơn là để sử dụng. Nhược điểm lớn nhất là quy hoạch của ta là quy hoạch riêng lẻ từng ngành. Ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Kết quả là các quy hoạch này đều không thực hiện được.

Quy hoạch tích hợp

Để có được quy hoạch tích hợp như tôi đã nói ở trên, cần phải có một chỉ huy tài giỏi điều khiển cho hài hòa tích hợp; chỉ huy kém thì sẽ cho kết quả tổng hợp mạnh ai nấy làm, không đi tới đâu.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng hơn bao giờ hết. Mưa, nắng, bão lụt, khô hạn không thể lường trước như xưa kia. Nước ngọt đang giảm mạnh không nguồn thay thế trong khi nước mặn có thể dâng cao hơn. Đất đai xói mòn, diện tích mất dần cho xây dựng đô thị và công nghiệp.

Trong bối cảnh ấy, trước hết, cần xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu đang hoặc sắp cần. Phải chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn. Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu, vì họ là người sau cùng sẽ đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường.

Tổ chức sản xuất mỗi cây, con chiến lược đã định sẽ được thực hiện tích hợp như câu chuyện cây cọ dầu của Malaysia kể trên: nhà nước và nhà doanh nghiệp cùng quy hoạch vùng (nguyên tắc “nới rộng hạn điền để nhà doanh nghiệp có nhiều cánh đồng lớn, trong khi nông dân không bị mất đất mà lại có việc làm tham gia sản xuất nguyên liệu cho nhà đầu tư), tiếp đến quy hoạch thủy lợi theo nhu cầu của sản xuất, quy hoạch giao thông, xây dựng, v.v. cũng hướng tới cùng mục tiêu.

Chúng ta sẽ phải có những cánh đồng lúa, mía hàng nghìn hecta; những vườn trại hàng trăm hecta xoài Cát, chôm chôm, nhãn, quít hồng, khóm, chuối, sầu riêng; những trại tôm, cá…. hàng nghìn hecta. Tất cả theo quy hoạch tích hợp bởi các chuyên gia liên ngành cùng phục vụ đầu ra của các doanh nhân Việt Nam. Tôi luôn nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp và đầu ra của họ.

Biến đổi khí hậu buộc ta tiết kiệm nước ngọt tối đa, phải tạm dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, mà phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân. Nói tóm lại là quên ngay tư duy “vựa lúa ĐBSCL” đi.

Vì vậy, tôi đặc biệt lưu ý một số ngành của Chính phủ. Trước hết là Thủy lợi. Tâm lý ngành này là “có công trình mới có ăn” nên thường đề xuất với lãnh đạo nhiều công trình để trồng thêm lúa, rất tốn kém mà không hiệu quả trong thời buổi này. Ngành Quản lý đất đai cần tạo điều kiện tối đa về dồn điền đổi thửa.

Có thực hiện được quy hoạch tích hợp như trên với sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương có cùng một ý chí, cùng mục tiêu mới mong chuyển đổi thành công cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL, biến nơi đây thành vùng trọng điểm nông nghiệp của đất nước.
GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

VOV.VN - Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần tầm nhìn dài hạn để phòng hạn hán, chống xâm nhập mặn ở ĐBSCL để cứu “vựa lúa” quốc gia.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gia tăng số lượng trang trại và mô hình cánh đồng mẫu lớn
Gia tăng số lượng trang trại và mô hình cánh đồng mẫu lớn

VOV.VN - Hiện cả nước có 9,32 triệu hộ là hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; đang có sự gia tăng về số lượng trang trại và sản xuất mô hình cánh đồng lớn.

Gia tăng số lượng trang trại và mô hình cánh đồng mẫu lớn

Gia tăng số lượng trang trại và mô hình cánh đồng mẫu lớn

VOV.VN - Hiện cả nước có 9,32 triệu hộ là hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; đang có sự gia tăng về số lượng trang trại và sản xuất mô hình cánh đồng lớn.

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia
Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

VOV.VN - Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần tầm nhìn dài hạn để phòng hạn hán, chống xâm nhập mặn ở ĐBSCL để cứu “vựa lúa” quốc gia.

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

VOV.VN - Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần tầm nhìn dài hạn để phòng hạn hán, chống xâm nhập mặn ở ĐBSCL để cứu “vựa lúa” quốc gia.

Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế
Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế

VOV.VN - Liên kết vùng và xây dựng những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu sẽ là hướng đi mới cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế

Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế

VOV.VN - Liên kết vùng và xây dựng những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu sẽ là hướng đi mới cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.