GS.TS. Nguyễn Quân: Không thuê “trọn gói” nước ngoài làm điện hạt nhân
VOV.VN - GS.TS. Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam đừng bao giờ để nước ngoài đấu thầu, thiết kế và thi công "trọn gói" các dự án điện hạt nhân.
Chia sẻ tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam sáng nay (21/8), GS.TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau nên Việt Nam đã phải tạm dừng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng ông vẫn thấy lo lắng khi đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được công nghệ nào thay thế được công nghệ điện hạt nhân.
Theo GS.TS. Nguyễn Quân phân tích, các nguồn năng lượng truyền thống của Việt Nam đã dần cạn kiệt, hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều than và sắp tới còn phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Trong khi đó, nguồn nhiệt điện hiện nay cũng còn có rất nhiều vấn đề khi người dân ở nhiều nơi phản đối các dự án nhiệt điện vì cho rằng nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường. Thủy điện cũng hết nguồn cho các dự án có công suất vừa và lớn nên chỉ còn một số dự án thủy điện nhỏ. Nguồn năng lượng tái tạo mặc dù giàu có và đã có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió nhưng hiệu quả rất thấp và không ổn định khi phụ tải nền vẫn không thể trông cậy vào nguồn năng lượng này.
GS.TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam |
“Về lâu dài, để đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam phải tính đến một loại hình năng lượng bền vững, nhưng hiện tại vẫn chưa có loại hình nào thay thế được điện hạt nhân. Vì một số lý do trước mắt Việt Nam đã phải dừng việc triển khai dự án điện hạt nhân, nhưng đến lúc nào đó vẫn phải quay trở lại phát triển loại hình năng lượng này”, GS.TS. Nguyễn Quân nhận định.
Lấy ví dụ từ Nhật Bản, GS.TS. Nguyễn Quân cho biết, đây là quốc gia sau thảm họa động đất, sóng thần đã phải hủy bỏ chương trình điện hạt nhân, đóng cửa hơn 50 nhà máy điện hạt nhân nhưng cũng sẽ đến một ngày nào đó họ vẫn sẽ phải phát triển trở lại với công nghệ an toàn hơn, mức độ tự động hóa và hiệu quả cao hơn.
Chính vì thế, GS.TS. Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam vẫn phải chuẩn bị phương án phát triển điện hạt nhân dù hiện tại chưa có cơ sở gì để làm điện hạt nhân một cách an toàn, bền vững. “Hội Tự động hóa Việt Nam rất mong muốn Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ cho Bộ KH&Công nghệ trước mắt đưa vào xây dựng nhanh chóng Trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu do Liên bang Nga giúp đỡ để thay thế cho lò phản ứng tại Đà Lạt (Lâm Đồng)”, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đề xuất.
Ông Nguyễn Quân cũng bày tỏ mong muốn, Trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân khi hình thành sẽ không phải chỉ là việc nghiên cứu, đây sẽ là nơi để đào tạo nguồn chuyên gia, cán bộ phục vụ cho ngành hạt nhân của Việt Nam.
Cũng theo GS.TS. Nguyễn Quân, đứng ở góc độ khoa học công nghệ, Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN về công nghệ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích, nếu sớm hình thành và đưa vào một Trung tâm khoa học hạt nhân mới, với lò nghiên cứu có công suất từ 10 – 15MW sẽ không chỉ đáp ứng cho việc nghiên cứu mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đến một ngày nào đó, khi Việt Nam làm điện hạt nhân sẽ có sẵn đội ngũ cán bộ, chuyên gia đủ năng lực, trình độ để đáp ứng được nhu cầu.
Lưu ý đối với các dự án điện hạt nhân, GS.TS. Nguyễn Quân nêu rõ, Việt Nam đừng bao giờ để cho nước ngoài đấu thầu, thiết kế và thi công theo phương thức khoán gọn hay “chìa khóa trao tay”.
“Điều này cực kỳ nguy hiểm vì đây không phải là nguy cơ về an ninh năng lượng mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân theo ý muốn từ bất cứ nơi nào và thậm chí từ ở không gian. Việt Nam có thể mời các nhà đầu tư nước ngoài làm điện hạt nhân, nhưng người giám sát và vận hành phải là người Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Quân lưu ý.
Nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân, GS.TS. Nguyễn Quân đề nghị Bộ Công Thương cần khởi động lại việc đào tạo cán bộ, công nhân cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù trước mắt nguồn nhân lực này chưa có địa chỉ làm việc nhưng vẫn nên có mảng đào tạo các chuyên gia an toàn về điện hạt nhân, bởi nguồn nhân lực này không chỉ phục vụ cho điện hạt nhân mà còn phục vụ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế khác của Việt Nam có sử dụng năng lượng hạt nhân.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Trong khi đó, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam có thể đạt đến mức từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.
Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu tiết kiệm năng lượng đã đạt được ở mức từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng).
Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, đáng kể như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%)./.
TPHCM: Còn nhiều rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo