Hạ lãi suất USD: Khách hàng chuyển sang gửi tiền đồng?

Việc NHNN điều chỉnh hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% sẽ làm giảm tính hấp dẫn của đồng USD, do đó sẽ làm giảm việc găm giữ.

Hạ lãi suất USD về mức gần như bằng 0%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn khuyến khích sự chuyển dịch từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân từ USD sang VND. Tuy nhiên, thách thức lớn là tỷ giá sẽ tăng vào cuối năm do tâm lý khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể “găm” USD.

Cầu USD tăng mạnh

Ngày thứ hai (29/9), sau diễn biến hạ lãi suất USD về 0%/năm với tổ chức và 0,25%/năm với cá nhân gửi tiền, trên thị trường, giá USD có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể tại các ngân hàng thương mại giá VND/USD được điều chỉnh nhẹ, biên độ tăng giảm trong khoảng 5-10 đồng/USD.

Đơn cử: Vietcombank tỷ giá USD/VND niêm yết chiều mua và bán ở mức 22.445– 22.505 đồng/USD, không đổi so với hôm trước; HSBC niêm yết USD ở mức 22.430- 22.530 đồng/USD. Giá USD tự do cùng ngày tại Hà Nội niêm yết ở mức 22.510 đồng - 22.540 đồng, giảm 10 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra.

Theo đại diện các ngân hàng, sở dĩ có hiện tượng này bởi nhu cầu mua ngoại tệ để đóng trạng thái vay của nhiều doanh nghiệp đang tăng mạnh.

Phó Tổng giám đốc phụ trách một ngân hàng thương mại cho hay: Lãnh đạo một số ngân hàng khác đều nói đang có nhu cầu mua USD cao và lý do chủ yếu là nhiều doanh nghiệp lo lắng và muốn đóng trạng thái vay ngoại tệ trước đó.

“Hiện NHNN đang bán ra liên tục trên thị trường liên ngân hàng nên cung - cầu cân đối. Tuy nhiên, nếu xu hướng khát ngoại tệ đứng ở mức cao và kéo dài mà NHNN dừng bán, thị trường sẽ có vấn đề ngay”, vị này lưu ý.

 

Tỷ giá sẽ tăng vào cuối năm do tâm lý khiến nhiều tổ chức và cá nhân có thể “găm” USD. (Ảnh: Internet)
Thống kê của NHNN, từ đầu năm tới nay (8 tháng đầu năm) huy động ngoại tệ tăng 10,8% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,8%). Riêng tháng 8, huy động ngoại tệ đã tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trong khi cho vay ngoại tệ từ đầu năm tăng 5,7%; tháng 8 chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ. “Nếu nhìn vào tốc độ tăng nhanh của huy động ngoại tệ (tăng tích trữ USD- PV), có thể thấy nhiều người đang kỳ vọng cuối năm FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất và áp lực tỷ giá sẽ khiến Chính phủ Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá”, công ty chứng khoán HSC phân tích.

Công ty này cũng cho biết, NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD nhằm hạn chế đầu cơ ngoại hối, đồng thời giảm lợi suất của hoạt động đầu cơ thông qua lãi suất về 0% hoặc sát 0% và buộc các doanh nghiệp phải đưa USD vào lưu thông trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Dòng tiền có dịch chuyển?

Nhìn nhận về động thái hạ lãi suất USD, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Cty Cổ phần Ống đồng Toàn Phát, cho rằng: Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD về 0% sẽ làm giảm tính hấp dẫn của đồng USD, do đó sẽ làm giảm việc găm giữ.

Ông Khôi nói: “Trước chính sách này, chúng tôi sẽ không dự trữ USD nữa mà tăng luân chuyển từ đồng USD sang tiền Việt. Từ đó sẽ đẩy nhiều nguồn tiền Việt vào hoạt động sản xuất kinh doanh”. Doanh nghiệp ông Khôi vừa nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa xuất khẩu (với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 30 triệu USD), vị này cho biết sẽ lập tức dùng nguồn vốn bằng USD đang giữ lại để trả cho những khoản nợ vay trước đó.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở 40 Lê Thái Tổ, khách hàng tại Vietinbank (Chi nhánh Hà Nội) cho hay, vừa có một khoản USD không lớn của người thân gửi ở nước ngoài về. Theo bà Hạnh, từ trước đến giờ cộng với một khoản tích cóp khác, bà vẫn gửi USD ở ngân hàng. Nay nghe tin lãi suất USD giảm thấp thế, bà Hạnh cho biết có thể đổi sang tiền Việt Nam để được hưởng lãi suất cao hơn.

Trên thực tế, liệu có số đông người dân và doanh nghiệp bỏ giữ USD và chuyển sang VND như ông Khôi, bà Hạnh? Ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, nhiều khách hàng cá nhân đã xác định ngay từ đầu gửi USD tại ngân hàng xem như cất giữ, tích lũy, đảm bảo đa dạng hóa nguồn tiền tiết kiệm. Đương nhiên, họ không đếm xỉa tới lãi suất.

Còn với khách hàng là các tổ chức kinh tế, Bản tin phân tích của Cty Chứng khoán Rồng Việt, đánh giá: Những doanh nghiệp gửi USD chủ yếu có nguồn thu bằng USD hoặc có nhu cầu tích trữ USD để thanh toán các đơn hàng máy móc và nguyên liệu nhập khẩu. “Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi đồng USD về mức 0% sẽ khó tạo ảnh hưởng đối với sự dịch chuyển từ tiết kiệm USD sang tiết kiệm bằng VND”, phân tích của chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, cần theo dõi thị trường thêm ít ngày nữa mới có thể khẳng định biến động thế nào. Lo ngại lớn nhất là, nếu không có nguồn cung đầu vào USD (huy động tiền gửi) thì cho vay ngoại tệ sẽ phải hạn chế, kéo theo lãi suất vay không thể giảm; cùng đó NHNN phải đối mặt với khó khăn về thanh khoản.

Một rủi ro tiềm ẩn nữa là lãi suất cho vay USD tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia đang khá cao (từ 4-6%/năm), có thể nhiều ngân hàng Việt có chi nhánh tại các nước láng giềng sẽ “lách” đem tiền ra bên ngoài đầu tư để hưởng chênh lệch lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm
Lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm

VOV.VN -Từ 28/9/2015, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi USD của tổ chức là 0%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm

Lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm

VOV.VN -Từ 28/9/2015, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi USD của tổ chức là 0%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Phó Thống đốc: Giảm lãi suất USD để tăng sức hấp dẫn VND
Phó Thống đốc: Giảm lãi suất USD để tăng sức hấp dẫn VND

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ nhằm hạn chế tình trạng "đô la hóa".

Phó Thống đốc: Giảm lãi suất USD để tăng sức hấp dẫn VND

Phó Thống đốc: Giảm lãi suất USD để tăng sức hấp dẫn VND

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ nhằm hạn chế tình trạng "đô la hóa".