Hà Nội: Các điểm bình ổn giá không hút khách

Các điểm bán hàng bình ổn này chỉ phát huy tác dụng tích cực trong những thời điểm xảy ra thiên tai, khan hiếm hàng một cách bất thường.

Đánh giá của Sở Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại tham gia bán hàng bình ổn cho thấy: Tập quán tiêu dùng của Việt Nam chủ yếu mua các mặt hàng thiết yếu tại chợ truyền thồng, chợ cóc nên khả năng tiêu thụ một số mặt hàng như rau, củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm… tại các điểm bán hàng bình ổn giá, đặc biệt trong hệ thống các siêu thị còn hạn chế. Các điểm bán hàng bình ổn này chỉ phát huy tác dụng tích cực trong những thời điểm xảy ra thiên tai, khan hiếm hàng một cách bất thường .

Trong khi đó, khi thực hiện chương trình bình ổn, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc dự trữ các mặt hàng tươi sống do không tìm được nhà cung cấp chấp nhận ký các hợp đồng nguyên tắc lâu dài, đảm bảo ổn định giá. Một mặt, hệ thống kho dự trữ phân tán, chủ yếu ở ngoại thành nên việc vận chuyển vào nội thành gặp những khó khăn nhất định với lý do giao thông thường xuyên ùn tắc. Ngoài ra, tình hình thị trường và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả hàng hoá, gây khó khăn cho công tác bình ổn giá.

Với kinh phí 350 tỷ đồng thành phố cho vay đợt 1, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã tổ chức 360 điểm bán hàng bình ổn tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Sở Công thương Hà Nội phấn đấu trong năm nay có khoảng 500 điểm bán hàng tham gia bình ổn, tập trung tại khu vực nội thành và một số huyện, thị xã trên địa bàn. Hàng hoá tham gia bình ổn tại các điểm bán hàng tương đối phong phú, đa dạng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các doanh nghiệp thực hiện dự trữ và tổ chức bán đúng các mặt hàng theo cam kết khi tham gia chương trình; đảm bảo thực hiện giảm giá tối thiểu 10% khi thị trường có biến động về giá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên