Hà Nội chợ đìu hiu, hàng quán ế ẩm
VOV.VN - Không còn cảnh tấp nập “kẻ bán, người mua”, nhiều khu chợ tại Hà Nội đang rơi vào cảnh đìu hiu do kinh tế suy thoái. Tương tự, nhiều hàng quán, dịch vụ cũng ế ẩm, chủ kinh doanh lao đao vì sức mua giảm và chi phí đầu vào ngày càng tăng cao.
Giờ tan tầm buổi chiều tại chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, đôi ba chục khách “vội đến, vội đi” không đủ xua tan không khí ảm đạm đã kéo dài cả ngày. Anh Trần Văn Kỳ, chủ một hàng kinh doanh hoa quả, than thở với khuôn mặt nặng trĩu âu lo, chỉ tính riêng tiền thuê ki ốt đã gần chục triệu, nhưng tiền lãi mỗi ngày của anh chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng:
"Sau Covid-19 được khoảng 10 phần thì từ Tết đến giờ chỉ được 4 phần thôi. Như tháng Thanh minh này nhà nào cũng đi, nhưng bây giờ ví dụ trăm nhà thì chỉ còn vài ba chục nhà thôi, giảm 2/3 luôn. Ngoài 50 tuổi rồi, xoay nghề khác thì mỗi bước đi đều không đơn giản", anh Kỳ nói.
Không chỉ các khu chợ như chợ đầu mối phía Nam, Long Biên, Đồng Xuân, chợ Hôm,… mà các hàng quán, dịch vụ cũng chung tình cảnh vắng khách. Anh Nguyễn Huy Mạnh, chủ một hàng ăn trên đường Lâm Du, quận Long Biên chia sẻ, trước anh nhập về cả chục cân cánh gà, nay có ngày bán một cân không hết.
Thay vì chỉ bán hàng vào buổi tối và đêm, anh Mạnh phải mở hàng thêm buổi trưa để tăng thu nhập: "Khách vắng lắm, đêm hôm người ta ăn uống hạn chế rất nhiều. Nói chung là năm nay làm ăn khó khăn hơn mấy năm trước, nó sụt giảm phải tầm 50%, mấy năm dịch làm ăn vẫn còn hơn năm nay. Lo lắng chứ, kinh doanh thứ nhất là mặt bằng, thứ hai là đi mua thực phẩm thì đắt lên."
Hàng hóa thiết yếu như thực phẩm còn suy giảm mạnh về sức mua thì những dịch vụ ít thiết yếu hơn, như đi taxi hay thú chơi cá cảnh,… bị người dân cắt giảm cũng là điều dễ hiểu:
"Riêng cá chỉ bán ngày lễ tết là đông, còn ngày thường túc tắc chỉ đủ ăn thôi, sang năm nay là bán kém hẳn. Cá thì chết, buôn bán khó khăn, âm cả vào vốn."
"Dạo gần đây khách vắng hẳn, kể cả taxi công nghệ hay truyền thống. Mấy hôm nay mưa đấy nhưng vẫn vắng khách."
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô ước tính trong điều kiện bình thường. Còn theo báo cáo ngành bán lẻ của hãng tư vấn MrKinsey, 60% người tiêu dùng Việt Nam tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn…
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam cũng như thế giới sụt giảm toàn diện thì các tiểu thương, người làm dịch vụ, buôn bán nhỏ khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó là sức cạnh tranh tăng do phát triển thêm hình thức bán hàng online. Trong khi tổng cung tăng thì tổng cầu lại giảm, thu nhập giảm khiến sức mua giảm theo, chưa kể giá thuê mặt bằng một số nơi lại tăng lên.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, phía trước là khoảng thời gian khó đoán về sự cải thiện của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực kinh doanh nhỏ lẻ: "Trong cả năm nay thì tình hình chung của thế giới tiếp tục khó khăn, đến năm 2024 mới khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một số lĩnh vực có thể có sự điều chỉnh khác nhau về thời gian. Ví dụ như ngành dệt may, da giày, theo dự báo thì hết quý II, đầu quý III, triển vọng sẽ sáng sủa hơn.
Do đó, người lao động được thu hút trở lại ngành sẽ tăng lên, số lượng người trở thành tiểu thương sẽ giảm đi. Hy vọng là nửa cuối năm nay, tình hình mua bán sẽ tăng lên tích cực hơn. Còn từ nay đến giữa năm, tình hình sẽ khó được cải thiện"./.