Hà Nội đóng cửa 10 trạm kinh doanh xăng dầu
(VOV) -Qua kiểm tra, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng phải ngừng kinh doanh...
Trả lời về thực trạng phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại gần 500 cây xăng trên địa bàn cũng như kế hoạch xử lý các cây xăng không an toàn, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa Hà Nội cho biết, cùng với việc thành lập thêm các đội chữa cháy, tăng cường lực lượng tại chỗ, Sở đang thực hiện dự án mua trang thiết bị trị giá 600 tỷ đồng.
Về việc kiểm tra, rà soát việc cấp phép và hiện trạng phòng cháy chữa cháy tại các cây xăng sau vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm ngày 03/6 vừa qua, Sở đã kiểm tra đợt một. Qua kiểm tra, đã yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng phải ngừng kinh doanh, 52 cửa hàng phải cải tạo lại, trong đó có 28 cửa hàng đã cải tạo xong, 24 cửa hàng chưa xong cải tạo.
Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Chúng tôi đang kiểm tra đợt hai, trong khoảng tháng 7 sẽ kết thúc và sẽ có nhận xét, đánh giá với từng cửa hàng để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Thực tế, nhiều cửa hàng xây dựng cách đây rất nhiều năm, có cửa hàng cách đây 30 năm”.
Liên quan đến nhiều trung tâm thương mại được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng luôn trong tình trạng “vắng bóng người mua”, đơn cử như Trung tâm thương mại Cửa Nam, chợ Hàng Da… Các đại biểu đặt vấn đề, liệu có thể chuyển công năng các trung tâm thương mại này về chợ dân sinh rất hiệu quả như trước đây, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: “Chủ trương trước đây của thành phố là hoàn toàn đúng. Xã hội hóa đầu tư thì các nhà đầu tư phải bỏ vốn. Bây giờ họ đầu tư rồi, được một cơ sở khang trang và cũng hiện đại, không may là trong giai đoạn này kinh tế rất khó khăn. Dứt khoát những chỗ này phải đảm bảo quy hoạch. Đã là trung tâm thương mại không thể chuyển sang loại hình khác. Có thể chỉ còn trung tâm thương mại không còn chợ dân sinh”./.