Hạ tầng giao thông hoàn thiện, kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bứt phá
VOV.VN - Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ĐT 994... là các dự án vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công đồng loạt trong tháng 6/2023. Khi hoàn thành, các công trình này sẽ giúp tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế của tỉnh, phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
Hạ tầng quyết định phát triển
Theo các chuyên gia cảng biển, các dự án giao thông kết nối có ý nghĩa rất quan trọng, phát huy tối đa tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An là hai dự án trọng điểm mà người dân, chính quyền và các doanh nghiệp cảng biển rất mong chờ.
Dự án cầu Phước An nối đường liên cảng với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cũng là nơi đấu nối các tuyến đường quan trọng là đường Vành đai 3 TP.HCM; nối Bình Dương với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải qua Đồng Nai. Còn cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp cho vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai đến các khu vực lân cận và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và cả khu vực Đông – Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á cho rằng, trong 2-3 năm tới, các dự án trên sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông của khu vực phía Nam mà đặc biệt là vùng Đông Nam bộ. Riêng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải, khi các dự án trên hoàn thiện và đưa vào khai thác không chỉ khẳng định vai trò quan trọng, là cửa ngõ trung chuyển quốc tế mà còn góp phần cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
“Cái Mép không so sánh các cảng ở Việt Nam mà phải so với khu vực, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải tận dụng lợi thế "độc nhất vô nhị" của mình, đó là có cụm cảng nước sâu. Thứ hai là khi khơi thông được 3 tuyến huyết mạch này (cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, cầu Phước An và đường ven biển 994 - PV) thì các tổ hợp công nghệ, tập đoàn lớn sẽ vào Bà Rịa – Vũng Tàu, bởi họ sẽ tận dụng lợi thế, đặt "đại bản doanh" tại đây nhằm mục đích xuất khẩu hàng hoá đi Mỹ”, ông Nguyễn Xuân Kỳ nói.
Còn theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với 3 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm vừa được khởi công, trong đó dự án nâng cấp đường ven biển ĐT 994, không chỉ kết nối các địa phương ven biển của Bà Rịa – Vũng Tàu với La Gi, tỉnh Bình Thuận mà còn là trục kết nối với các địa phương du lịch ven biển Miền trung.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, đây là cơ hội phát triển du lịch của tỉnh. Các doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải định hình lại sản phẩm du lịch cốt lõi, sản phẩm hỗ trợ để hình thành bộ sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch để phát triển.
“Tuyến ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đang còn quỹ đất rất lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, đây là động lực để tỉnh phát triển. Nhiều nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế sẽ về khu vực này khi tỉnh hình thành được tuyến đường 994. Hiện các nhà đầu tư đang rục rịch tìm hiểu khu vực này”, ông Phạm Ngọc Hải cho hay.
Cơ hội phát triển mới
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến 2030 tỉnh sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, các trục ven biển từ Phú Mỹ đến Bình Châu, huyện Xuyên Mộc sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, ngành đã tham mưu cho tỉnh về chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 gắn với quy hoạch mới: “Để du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cất cánh và phát triển, chúng tôi đặt trọng tâm việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu thị trường, từ đó thấy được những thị trường truyền thống, thị trường cần mở rộng, chuyên sâu và có những thị trường cần làm mới để thu hút lượng khách quốc tế, khách du lịch có mức chi tiêu cao”.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngoài những dự án hạ tầng kết nối liên vùng, tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai các tuyến nội vùng kết nối vào sân bay Long Thành, trục hành lang kinh tế như: tuyến đường 991B nối từ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu vào đường liên cảng; tuyến Long Sơn – Cái Mép nối từ Trung tâm hoá dầu Long Sơn vào 911B và nối với đường liên cảng với đường ven biển 994.
Sắp tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hình thành trung tâm kiểm định hàng hoá tại Cái Mép - Thị Vải, kết hợp với trung tâm thương mại tự do.
“Hướng phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu tới đây sẽ là tập trung đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị theo hình thức mới. Chính phủ cũng đã quyết định cho Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành lập các đề án này. Như vậy, khi các nhà đầu tư đến đây thì tỉnh cũng đã sẵn sàng về hạ tầng, về quy hoạch để phục vụ nhà đầu tư”, ông Nguyễn Công Vinh cho biết.
Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, kỳ vọng tiến độ thực hiện các dự án tại Bà Rịa-Vũng Tàu bảo đảm về đích đúng hẹn. Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến đường ven biển và cây cầu bắc qua sông Thị Vải được hoàn thành sẽ biến ước mơ thành hiện thực, rút ngắn thời gian đi lại giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các địa phương khác trong vùng Đông – Tây Nam bộ, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.