Hà Tĩnh chọn quy hoạch xanh cho phát triển bền vững
VOV.VN - Trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi Hà Tĩnh có một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD. Sau sự cố Formosa, Hà Tĩnh sẽ biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như lợi thế cạnh tranh của Tỉnh để phát triển bền vững.
Theo quy hoạch, Hà Tĩnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm; 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế; 1 trung tâm động lực tăng trưởng (Khu kinh tế Vũng Áng với nòng cốt là Nhà máy Thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các khu công nghiệp trong khu kinh tế và thị xã Kỳ Anh); 3 nền tảng chính cho phát triển…
Trong đó, 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến chế tạo và năng lượng; nông, lâm, thủy sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. 3 nền tảng chính cho phát triển gồm nguồn nhân lực và văn hóa; kết cấu hạ tầng đồng bộ; thể chế và môi trường kinh doanh.
Ông Phan Thành Biển, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quy hoạch được xây dựng theo hướng biến kinh nghiệm đã có thành yếu tố tích cực, xem đó như là lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.
“Nhiều nhà đầu tư đã chuyển đổi công nghệ trước đây chưa đáp ứng được yêu cầu sang công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài ra, Formosa cũng tập trung chú ý đến việc phát triển xanh trong khu vực nhà máy. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển, tỉnh cũng xác định là phải chuyển đổi sang công nghiệp thân thiện môi trường, công nghiệp ít sử dụng tài nguyên. Ví dụ như nhiệt điện Vũng Áng 3 trước đây xác định sử dụng nguồn nguyên liệu than, nhưng nay sẽ chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng”, ông Biển cho biết./.