Hai điểm nghẽn logistics của TP.HCM là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực

VOV.VN - Chiều nay (30/9), Sở Công Thương và Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức Diễn đàn Logistics lần 1 với chủ đề “Vị thế Logistics của TP.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”.

 

TP.HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thành phố đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP đến năm 2025 là 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10- 15% (tỷ lệ này hiện nay là 20%). Hiện nay, ngành logistics chưa đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp đối với thị trường nội địa và xuất khẩu, chi phí logistics của doanh nghiệp ở Việt Nam rất cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong ngành logistics hiện nay là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, điểm nghẽn của hạ tầng là do thiếu quy hoạch đồng bộ, dễ gây hiệu ứng domino tắc nghẽn cục bộ. Hạ tầng thiếu kết nối để tận tận dụng lợi thế tự nhiên về đường sông, đường bộ, đường sắt và đường  hàng không kết hợp, dẫn tới chuyển tải nhiều lần, đi đường vòng gây lãng phí… Doanh nghiệp thiếu sự phối hợp sử dụng chung hạ tầng để giảm chi phí.

Trước điểm nghẽn này, doanh nghiệp kiến nghị, thành phố quy hoạch hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, có tính liên kết vùng như: các cảng biển, trung tâm logistics liền lạc, nhanh chóng, thông thoáng; phát triển đường sắt các vị trí thuận lợi kết nối, đẩy mạnh phát triển vận tải biển để giảm chi phí logistics. Thành phố cũng nên kết nối, phát huy hệ thống vận tải đường sông với Đồng bằng sông Cửu Long.

Về điểm nghẽn nguồn nhân lực, hiện nay, nhân lực ngành logistics chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của doanh nghiệp. Dự kiến, từ nay đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực logistics của Thành phố cần khoảng 10.000 người, tuy nhiên, với năng lực đào tạo của các trường hiện nay rất khó đáp ứng nhu cầu này.

“Chúng tôi đã đề xuất nhóm giải pháp là đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics nhỏ và vửa, mức hỗ trợ kinh phí ngân sách hỗ trợ 70%. Việc hỗ trợ này mình làm nhanh bổ sung ngay nguồn nhân lực logistics đang thiếu hụt. Thứ hai, chúng ta sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics ngang bằng với trình độ quốc tế”, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó  Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên