Hải Dương: Đô thị loại I không chỉ là danh xưng
VOV.VN - Hải Dương hội tụ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ...
TP Hải Dương vừa chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt tiêu chí Đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Đây là thành quả nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân TP Hải Dương 65 năm qua, kể từ khi thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng.
Năm 1804, một ngôi thành được xây dựng tại ngã ba sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt với tên gọi Thành Đông, một trong 4 thành của Thăng Long tứ trấn. Năm 1889, người Pháp phá hủy Thành Đông để xây dựng một số nhà máy, khu dân cư và đến năm 1923, TP Hải Dương chính thức có tên trên bản đồ.
Hơn 2 Thế kỷ hình thành và phát triển, Thành Đông vốn là nơi chỉ dành cho các quan binh đã trở thành một đô thị trung tâm mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.
Khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) hiện có trên 50 doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, linh kiện ôtô, vải sợi, may mặc và hàng tiêu dùng. |
Với diện tích hơn 13.000 ha sau khi mở rộng, quy mô dân số khoảng 510.000 người, định hướng phát triển theo mô hình “ngôi sao” với cấu trúc đa cực hướng tâm... TP Hải Dương có lợi thế về giao thông do nằm trên trục QL5, QL5B, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và mạng lưới giao thông thủy nội địa.
Cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, thành phố Hải Dương hiện có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động với tổng nguồn vốn gần 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh luôn dành cho TP Hải Dương cơ chế riêng, trước hết là về ngân sách để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển hạ tầng cơ sở.
“Chúng tôi cũng đồng hành cùng thành phố trong kêu gọi các nguồn lực đầu tư, cả trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, giáo dục. Sự vào cuộc của tỉnh, sự nỗ lực của thành phố và sự góp sức của các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả đầu tư cho chính địa phương, thành phố và doanh nghiệp”, ông Thái cho biết.
Được công nhận là thành phố loại II trực thuộc tỉnh Hải Dương năm 2009 và phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020, TP Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp “xanh” bằng những chính sách, ưu đãi cụ thể.
Ông Đoàn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát, một trong những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường cảm nhận, trong những năm qua, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của tỉnh Hải Dương.
“Dù vậy, doanh nghiệp vẫn mong muốn tiếp tục được địa phương tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế đất, thuế doanh nghiệp... để giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế xanh có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn từng bước giảm giá thành sản phẩm góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Đức cho hay.
Mức tăng trưởng kinh tế của TP Hải Dương trung bình 3 năm gần đây đạt 13,6%. Thành phố hiện có 3 Khu Công nghiệp (Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát) và 4 cụm công nghiệp (Cẩm Thượng, Tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng); tỷ lệ lấp đầy các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp tương đối cao; các loại hình dịch vụ, thương mại, ngân hàng, viễn thông… phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, TP Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ... góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh Hải Dương cũng như các tỉnh lân cận.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận định, để làm tốt vai trò “đầu tàu” kinh tế vùng đất xứ Đông, thành phố Hải Dương vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Hải Dương có rất nhiều lợi thế để trở thành nguồn động lực tập hợp, dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển. Tuy nhiên để làm được điều này, Hải Dương cần nỗ lực rất cao để cải cách thể chế, bộ máy... và đặc biệt là vận dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đi đầu trong kinh tế số. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên nghiệp của lực lượng lao động”, TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ.
Kinh tế phát triển đi đôi với đời sống dân sinh được đầu tư đúng mức. TP Hải Dương hiện có 7 bệnh viện, đạt 3,53 giường bệnh/1000 dân, mạng lưới y tế tuyến cơ sở đồng bộ; thiết chế văn hóa, thể thao, các khu vui chơi được đầu tư, xây dựng; công tác bảo đảm an ninh trật tự, quốc phòng - quân sự địa phương được thực hiện toàn diện.
Ông Vũ Như Ha, 77 tuổi, phường Tứ Minh, TP Hải Dương phấn khởi cho biết, xã hội phát triển, các cụ già được chăm sóc sức khỏe tốt; trẻ con học hành, đỗ đạt nhiều hơn; Đường xá, cảnh quan thay đổi nên những người ở xa lâu ngày không về quê luôn thấy bất ngờ.
Sau hơn 200 năm xây dựng và phát triển, Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế - văn hóa và khoa học công nghệ, dịch vụ. Với tiêu chí phát triển "xanh, văn minh, hiện đại", có sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh...
Thành phố Hải Dương đang hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, ngày càng khẳng định vai trò “đầu tàu” thúc phát triển kinh tế, xã hội không chỉ đối với tỉnh Hải Dương mà còn đối với toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ./.
Ảnh: Thành phố Hải Dương - diện mạo xứng tầm đô thị loại 1