Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh hợp tác cùng phát triển
VOV.VN - Sáng nay (13/3), tại tỉnh Hải Dương diễn ra Hội nghị hợp tác giữa 3 địa phương Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.
Là các địa phương giáp ranh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có khá nhiều tương đồng trong lịch sử, văn hoá và con người, những năm qua, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã có sự hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương được đầu tư tạo thuận lợi cho lưu thông và giao thương. Giữa Hải Dương và Quảng Ninh đã hoàn thành 3 tuyến giao thông kết nối TP Chí Linh, TX Kinh Môn với TX Đông Triều: cầu Triều, cầu Mây, tuyến kết nối QL18 với QL37, đường tỉnh 398 với đường tỉnh 345… Hải Dương và Hải Phòng xây dựng cầu Dinh kết nối TX Kinh Môn với huyện Thuỷ Nguyên, cầu Quang Thanh, tuyến kết nối đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà) nối QL10 (huyện An Lão), kết nối các xã của huyện Kim Thành - huyện An Hải…
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giữa 3 địa phương vẫn có những hoạt động hợp tác, phối hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản (vải thiều, rau vụ đông…); trao đổi về đầu tư phát triển, quản lý công nghiệp, cụm công nghiệp, tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh than; thu hút đầu tư, kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Liên kết vùng phát triển du lịch giữa Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và với các địa phương khác trong cả nước cũng được đẩy mạnh triển khai.
Ông Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: "Ba tỉnh chúng ta còn rất nhiều tiềm năng lợi thế, như tiềm năng về văn hoá. Đây là tiềm năng vô giá. Chỉ riêng không gian văn hoá của Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc, Bạch Đằng giang đã là cả một câu chuyện lịch sử lớn, mà nếu chúng ta đề xuất UNESCO công nhận Di sản thế giới thì sẽ nâng tầm văn hoá lên tầm vóc mới."
Định hướng đẩy mạnh hợp tác theo phương thức đa phương, tổng thể, 3 tỉnh, thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh thống nhất nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển” và tiếp tục khẳng định vị thế là các động lực tăng trưởng của vùng, của khu vực. Thời gian tới, từ phối hợp chủ động triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hạ tầng giao thông vẫn là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm (cả về đường bộ, đường thuỷ, đường sắt).
Giai đoạn 2022-2025, hàng loạt dự án nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường ven sông từ Quảng Ninh sang Hải Dương, các đường nối QL17B, QL10 với các đường tỉnh, cầu Lại Xuân, Bến Rừng nối Quảng Ninh với Hải Phòng… sẽ sớm triển khai, trong đó ưu tiên kết nối các khu thương mại tự do, KKT, KCN, đô thị động lực; tiếp tục phối hợp quản lý địa giới hành chính; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về vận tải, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển..., Quảng Ninh và Hải Phòng tập trung hợp tác, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển Hải Phòng, Cái Lân, Con Ong – Hòn Nét, các cảng hàng không Cát Bi, Vân Đồn và các cặp cửa khẩu với Trung Quốc; đẩy mạnh hợp tác Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; phối hợp với Hải Dương sớm thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tại huyện Thanh Miện và Bình Giang.
Cùng với đó, các tuyến du lịch theo trục cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, QL5, QL18, QL37 và theo không gian văn hoá chung được xây dựng thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết, hợp tác quảng bá xúc tiến, liên kết doanh nghiệp…
Hải Dương, Quảng Ninh cùng Bắc Giang thống nhất hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Quảng Ninh và Hải Phòng phối hợp đề cử Di sản vịnh Hạ Long - Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Giữa Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh trong hợp tác liên kết vùng vẫn ưu tiên cho việc tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đảm bảo đồng bộ liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, hợp tác hoá lãnh thổ. Thứ 2 là tiếp tục tập trung đúng mức cho việc liên kết để phát triển văn hoá xã hội và con người, tương xứng với các giá trị văn hoá và lịch sử vốn có của 3 vùng đất. Thứ 3 là liên kết để kết nối tri thức, chia sẻ để phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ hơn."/.