Hàng giả, hàng "nhái" sẵn sàng từ nước ngoài tràn vào nội địa
VOV.VN - Công tác chống gian lận thương mại, hàng giả chưa tạo được những chuyển biến căn bản khi các vụ việc được phát hiện và xử lý vẫn là những vụ rất nhỏ.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian gần đây, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá hóa Việt Nam đưa từ nước ngoài vào thị trường trong nước có xu hướng gia tăng.
Hàng giả Việt Nam được sản xuất từ nước ngoài
Ông Cẩn đơn cử, trong năm 2019, qua công tác kiểm tra của lực lượng hải quan, phát hiện một số DN nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam gồm các loại hàng hóa tiêu dùng, điện tử, quần áo có tờ khai là hàng Trung Quốc nhưng thực tế kiểm tra hàng hóa này lại là sản phẩm dán mác Made in Vietnam; Có trường hợp sản phẩm có giấy bảo hành, tên doanh nghiệp và địa chỉ sản xuất đều ghi xuất xứ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. |
Lấy dẫn chứng về vụ việc Asanzo thời gian qua là một điển hình cho một trong số những hành vi gian lận xuất xứ này đã bị phát hiện, ông Cẩn cho biết, hiện nay vẫn còn khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, hoặc có luật, Nghị định, thông tư quy định nhưng lại chồng chéo khiến chế tài phát hiện và xử lý tình trạng này còn gặp nhiều khó khăn.
“Trong năm 2019, ngành Hải quan đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh phòng ngừa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có sự thống nhất cao và phân cấp quản lý rõ ràng, nhiều hành vi vi phạm về gian lận thương mại có thể được phòng ngừa và xử lý hiệu quả”, ông Cẩn cho biết.
Do đó, ông Cẩn kiến nghị, các Bộ, ngành cần gấp rút rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong việc ban hành thông tư, quy định nhằm hạn chế tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp cùng thấy khó xử lý trong một số hành vi vi phạm.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng nêu rõ tình trạng hàng giả, hàng "nhái" nhập lậu qua biên giới thời gian qua có dấu hiệu gia tăng. Nhiều đối tượng sử dụng các hành vi, thủ đoạn mới như vận chuyển hàng giả Việt Nam ngay từ nước ngoài đưa về nước tiêu thụ.
Do đó, lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ chính và quan trọng nhất trong năm 2020 là đẩy lùi hàng giả, với các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm gian lận thương mại, điều tra và xử lý mạnh các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng giả tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.
Xử lý hàng giả, hàng "nhái" vẫn ở quy mô nhỏ
Tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động tinh vi, có tổ chức và ngày càng manh động.
Đặc biệt, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ nhãn mác Made in Vietnam đối với mặt hàng thời trang và đồ gia dụng đã gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo ông Sơn, sở dĩ có tình trạng này là các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Trong khi đó, một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa chuyên sâu về nghiệp vụ cũng như chưa được trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn.
Đặc biệt, một số văn bản, quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thật sự chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nghiêm để răn đe.
Trước tình hính đó, UBND thành phố và Ban chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của thành phố đã đổi mới công tác truyền thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu, kết hợp tốt và hướng dẫn phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động người dân cam kết không buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… nhằm tạo chuyển biến căn bản về ý thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân.
“Thành phố cũng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra nắm tình hình thị trường, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu phát hiện những vấn đề bức xúc nổi cộm đề ra các giải pháp xử lý kịp thời. Thành phố xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các vùng, địa bàn lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp”, ông Sơn cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong năm 2019, thông qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quyết liệt, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng, khởi tố 1.864 vụ án với 2.184 đối tượng
Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Công tác chống gian lận thương mại, hàng giả chưa tạo được những chuyển biến căn bản khi các vụ việc được phát hiện xử lý chủ yếu là những vụ việc rất nhỏ.
Trong khi tình trạng nhập lậu hàng giả, hàng nhái có chiều hướng gia tăng, những sơ hở trong chính sách nhập khẩu vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để nên các đối tượng vẫn có điều kiện vận chuyển hàng lậu, hàng cấm với khối lượng lớn.
Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng trên cơ sở nhiệm vụ và tình hình quản lý cần có các ý kiến đóng góp xác đáng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phòng ngừa, xử lý các vấn đề đang nổi cộm hiện nay, đặc biệt là trong công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gỉa, hàng nhái./.
Hàng thật sợ hàng giả, hàng nhái