Hãng Hanjin phá sản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng ngồi không yên

VOV.VN -Hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin Shipping Global vừa chính thức đệ đơn phá sản, kéo theo đó là hàng loạt các dịch vụ vẩn tải biển bị ngưng trệ.

Sự kiện này bắt đầu có những ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, những doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm ăn với Hãng vận tải này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là với những lô hàng đang trên đường vận chuyển, chưa kể là cước vận tải quốc tế rục rịch tăng sau sự kiện này.

Hanjin là một Hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc (Ảnh minh họa: KT)

Hanjin là một Hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc và nằm trong top 10 thế giới. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sử dụng dịch vụ của Hãng tàu này, nhất là các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản xuất khẩu sang các khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU… Những ngành hàng này đều bị tác động khi hãng tàu này ngừng hoạt động.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP) cho biết, nhiều doanh nghiệp có hàng xuất đi, đã đóng container nhưng chưa đặt dịch vụ vận chuyển của hãng này thì có thể đổi hãng tàu khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có các lô hàng ở trên tàu chưa cập cảng đang đứng ngồi không yên vì không biết hàng của mình ở đâu và sẽ xử lý ra sao.

Theo ông Hòe, thống kê đến nay có khoảng 50 container hàng của các doanh nghiệp thủy sản xuất qua hãng tàu này và vẫn đang trên biển. Các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục làm việc với Hanjin Việt Nam để tìm hiểu xem hàng của mình đang ở đâu, tại cảng trung chuyển hay trên đường đi để theo dõi và giải quyết theo hướng nào. Về mặt nguyên tắc, hàng sẽ được giải quyết nhưng sẽ mất thời gian, cũng có thể có những tác động khác mà chưa lường hết được.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam, Hiệp hội thường xuyên cập nhật tình hình và khuyến cáo khách hàng đã đặt dịch vụ vận chuyển của Hãng này mà chưa đóng và chuyển hàng thì nhanh chóng lựa chọn Hãng khác. Khó khăn hiện này là xử lý tình huống đối với hàng hóa đang vận chuyển trên biển chờ giao đến tay người nhận hàng. Còn thực tế, năng lực các nhà vận tải khác hoàn toàn có khả năng đáp ứng được khi hãng tàu Hanjin ngừng hoạt động. Tuy nhiên, việc Hãng tàu này phá sản sẽ dẫn đến tình trạng giá cước vận tải tăng lên, đặc biệt đối với hàng đi Mỹ và EU.

Ông Lê Duy Hiệp cho biết: “Trước đây, 1 container xuất khẩu đi các cảng chính EU thì 1.000 – 1.100 USD nay tăng 20-30%. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Công Thương để thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cập nhật tình hình của Hãng tàu để báo lại cho khách hàng biết để xử lý tình huống với các công ở trên biển. Khuyến nghị các nhà khai thác cảng giúp khách hàng vượt qua khó khăn với khách hàng trực tiếp bị ảnh hưởng, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tìm các nhà vận tải khác để phù hợp hơn cho hàng hóa xuất nhập khẩu của mình.”

Trước những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao nhận hang hoá xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ từ các hãng logistics cần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin thường xuyên về các nhà vận chuyển, hãng tàu để có cân nhắc phù hợp. Trường hợp đã đưa hàng vào container của Hanjin cần nhanh chóng lấy hàng ra và liên hệ đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu. Còn với lô hàng đã cập cảng, khẩn trương hoàn thành thủ tục và thông quan, giải phóng hàng ra khỏi container của Hanjin. Những lô hàng đang được vận chuyển thì cần tiếp tục làm việc với văn phòng đại diện của Hanjin để theo dõi lịch trình và phối hợp với các đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Bộ Công Thương đã đưa thông tin cảnh báo về vấn đề này trên website của Bộ. Với vấn đề chuyển đổi container hàng, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải, cùng với các cảng vụ, ở khâu vận tải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xử lý lô hàng bị ảnh hưởng bởi vụ việc Hanjin, như rút hàng ra, chuyển đổi container hay tiếp nhận hàng về bị chậm trễ, đề nghị cảng vụ có ưu tiên sắp xếp xử lý để tránh ùn tắc.”

Từ vụ việc này, doanh nghiệp cần theo dõi và nắm bắt tình hình vận chuyển trên thế giới; quan tâm hơn đến khâu logistics và giành quyền chủ động trong việc lựa chọn dịch vụ logistic khi đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nắm rõ thông tin nhà cung ứng dịch vụ, bởi nếu được quyền thuê tàu lại không biết hãng nào tốt, thì sẽ không đem lại tác dụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hanjin tuyên bố phá sản - khoảng 540.000 container bị mắc kẹt
Hanjin tuyên bố phá sản - khoảng 540.000 container bị mắc kẹt

Tất cả các tàu hàng sẽ phải án binh bất động trên biển, chờ đợi tập đoàn Hanjin tìm ra được một phương án giải quyết.

Hanjin tuyên bố phá sản - khoảng 540.000 container bị mắc kẹt

Hanjin tuyên bố phá sản - khoảng 540.000 container bị mắc kẹt

Tất cả các tàu hàng sẽ phải án binh bất động trên biển, chờ đợi tập đoàn Hanjin tìm ra được một phương án giải quyết.

Hanjin đệ đơn phá sản - doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì?
Hanjin đệ đơn phá sản - doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì?

VOV.VN - Các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua Hanjin cần chủ động có kế hoạch giao nhận hàng hóa.

Hanjin đệ đơn phá sản - doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì?

Hanjin đệ đơn phá sản - doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì?

VOV.VN - Các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua Hanjin cần chủ động có kế hoạch giao nhận hàng hóa.