Hàng nghìn tấn đường tồn, nông dân Hậu Giang lo giá mía tiếp tục giảm
VOV.VN - Việc các Nhà máy đường ở tỉnh Hậu Giang đang tồn kho hàng chục ngàn tấn đường đang khiến nhiều hộ dân trong tỉnh lo giá mía nguyên liệu tiếp tục giảm.
Việc các Nhà máy đường ở tỉnh Hậu Giang đang tồn kho hàng chục nghìn tấn đường đang khiến nhiều hộ dân trong tỉnh lo giá mía nguyên liệu tiếp tục giảm.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện Nhà máy đang tồn kho khoảng 30.000 tấn đường. Đây là lượng đường tồn kho cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nếu như các năm trước, nhiều tiểu thương mua hàng trước Tết để trữ bán thì năm nay bán tới đâu mua tới đó. Điều này khiến hàng tồn kho của Casuco tăng cao và công ty phải giảm giá bán.
Mía đang phát triển xanh tốt nhưng người dân Hậu Giang lo giá mía sẽ xuống thấp |
Cụ thể, hiện nay giá bán buôn còn từ 12.000 - 12.500 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 15.000 đồng/kg. Nếu so với giá đường bán lẻ cuối năm ngoái thì giá đã giảm gần 2.000 đồng/kg. Còn so với giá bán lẻ ngay trước Tết thì giá đường hiện nay tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng/kg.
Nguyên nhân đường trong nước tiêu thụ chậm và giá bán giảm mạnh như hiện nay là do lượng đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam đang tăng mạnh với giá thấp hơn đường trong nước khoảng 1.000 đồng/kg, nên người tiêu dùng chuyển sang mua đường Thái Lan.
Hậu Giang là tỉnh có diện tích mía lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với gần 11.000 hecta, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho hai doanh nghiệp sản xuất đường trong tỉnh, gồm: Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và Công ty Casuco với hai nhà máy đường trực thuộc là Xí nghiệp đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp. Mặc dù, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh hưởng ứng, ủng hộ tiêu thụ lượng đường tồn kho nhằm giúp cho doanh nghiệp cũng như ngành mía đường vượt qua khó khăn, tuy nhiên, với giá đường và tình hình tiêu thụ đường khó khăn như hiện nay, nông dân trồng mía đang rất lo lắng thu nhập vụ tới sẽ bị ảnh hưởng nặng.
“Mía nguyên liệu tiêu thụ không được. Đường nhiều quá thì mía phải rẻ. Mía rẻ thì nông dân càng lỗ. Nông dân ở đây ai cũng hoang mang vụ đường rẻ, mía rẻ. Nhà máy đường mua quá rẻ nông dân không được lời", ông Phan Văn Tẻo ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng hiệp cho biết./.
Cánh đồng lớn là “lối thoát hiểm” của ngành mía đường
Cơ cấu lại ngành mía đường: Xu hướng tất yếu khi hội nhập