Hàng quán Hà Nội đìu hiu những ngày phòng chống dịch virus corona
VOV.VN - Dịch nCoV đang lan rộng, nhiều hàng quán trên địa bàn Hà Nội đìu hiu, vắng vẻ do người dân hạn chế đến những nơi đông người để ăn uống, mua sắm.
Theo khảo sát của phóng viên VOV trên địa bàn thành phố Hà Nội, rất nhiều hàng quán trong tình trạng ế ẩm, vắng khách. Nhiều quán ăn trước kia vốn rất đông khách thì nay đã giảm tới 2/3, khiến nhiều chủ hàng lo lắng.
Chị Đào Hồng Hạnh, chủ một quán bún hải sản trên phố Cầu Giấy cho biết, hơn 2 tuần trở lại đây, nhiều người dân lo ngại dịch virus corona nên đã hạn chế đi ăn uống ở ngoài. Trước khi chưa có dịch, mỗi ngày quán ăn của chị bán được từ 90 - 100 bát bún mỗi ngày, nhưng thời điểm này, chị chỉ bán được từ 30-35 bát bún/một ngày. Lượng khách hàng giảm mạnh khiến doanh thu của gia đình chị cũng giảm theo đáng kể.
Thời điểm này, lượng khách của các hàng ăn giảm tới một nửa so với trước đây. |
Rơi vào tình cảnh tương tự, anh Đinh Xuân Nghĩa, chủ một quán phở trên phố Đào Tấn cho hay, từ khi xuất hiện dịch virus corona tại Việt Nam, cửa hàng phở nhà anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng khách tới ăn giảm đi một nửa so với trước đó. Trước tình hình này, anh phải cho một số nhân viên tạm nghỉ làm, khi nào hết dịch thì đi làm trở lại. Bởi doanh thu của hàng quán giảm mạnh, nếu vẫn duy trì lượng người làm như vậy thì sẽ bị lỗ lớn và không có đủ tiền để trả lương cho nhân viên.
Cá biệt, do ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động kinh doanh, một số nhà hàng phải đóng cửa tạm thời. Cụ thể, ngày 8/2, Nhà hàng Dê Minh Đức 2 – Linh Đàm đã phát đi thông báo tạm dừng bán hàng đợt 1, chỉ duy trì các hoạt động chuyển đồ, nấu cỗ tại nhà…
Tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh như: Pizza, mì Ý, gà KFC… khách đến ăn cũng không nhiều như trước, phần lớn khách hàng đến mua và mang về ăn.
Tình trạng đìu hiu, vắng khách không chỉ diễn ra tại các quán ăn nhỏ mà tại các nhà hàng lớn, quán bia cũng vậy, không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp khách đến ăn, nhậu vào những buổi trưa, chiều hay ngày cuối tuần.
Một số trung tâm thương mại lớn như: Vincom, Lotte, Aeon hay các siêu thị, khách đến mua sắm cũng khá thưa thớt. Các khách hàng đến đây đều đeo khẩu trang kín mít, lựa, mua hàng thật nhanh để ra thanh toán rồi về.
Tại các siêu thị, lượng khách đến mua sắm cũng bị chững lại... |
Chị Trần Ngọc Bích (ở Thụy Khuê) chia sẻ, đại dịch virus corona đang là mối đe dọa và lo ngại không chỉ với gia đình chị mà với toàn xã hội. Để giảm nguy cơ lây nhiễm từ bệnh dịch, thời gian gần đây, gia đình chị chỉ ăn uống ở nhà, rất hạn chế ra ngoài. Mỗi tuần chị đi siêu thị 1 lần để mua thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu.
Có chung tâm lý như vậy, chị Nguyễn Hồng Hạnh ở Đội Cấn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì ăn uống ở nhà là sự lựa chọn số 1 của gia đình chị. Trước đây, các con chị rất thích đến nhà hàng ăn Pizza, gà rán, nhưng bây giờ thay vì đi ăn ở ngoài, chị thường mua về nhà cho con…
Theo các chuyên gia trong ngành thực phẩm, việc lượng khách đến các nhà hàng hạn chế đã khiến doanh thu của nhiều nhà hàng, quán ăn sụt giảm nhưng điều này cũng cho thấy một sự tích cực, đó là người dân và du khách đã có ý thức cao, tuân thủ khuyến cáo, hạn chế tụ tập nơi đông người, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh do virus corona gây ra. Nhiều nhà hàng cũng đã chủ động tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho thấy, hiện nay, toàn thành phố có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trước yêu cầu phòng, chống dịch bệnh do nCoV, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe cho những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như hướng dẫn cách vệ sinh phòng, chống dịch bệnh./.
Cập nhật dịch corona tại Việt Nam: Việt Nam đã chữa khỏi 2 ca nhiễm corona