Hàng trăm ha đất trồng rừng bỏ hoang khiến người dân lao đao
VOV.VN - Không ít dự án trồng rừng ở Lai Châu kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vùng dự án cần được rà soát, thu hồi để mang lại hiệu quả sau đầu tư.
Được giao gần 1.000 ha đất triển khai dự án trồng rừng tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu từ năm 2010, nhưng đến nay doanh nghiệp (DN) mới triển khai trồng được hơn 200 ha. Sau hơn 10 năm được giao đất, hơn 3/4 diện tích đất còn lại vẫn bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Còn với gần 1/4 diện tích DN đã thuê người dân trồng, chăm sóc đến nay vẫn không chịu chi trả tiền công cho bà con.
Năm 2010, Công ty TNHH MTV Xây dựng Phong Minh (Công ty Phong Minh) được UBND tỉnh Lai Châu cho phép thuê gần 995 ha đất rừng nghèo và đất nương rẫy, với 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thực hiện dự án trồng rừng. Sau khi hoàn tất thủ tục thuê đất tại 6 bản của xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, công ty đã bỏ cây giống và thuê người dân địa phương trồng và bảo vệ, với hứa hẹn là sẽ chi trả 5 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, sau từng ấy năm chờ đợi, đến thời điểm này người dân của các bản vẫn chưa nhận được bất cứ khoản chi trả nào từ đơn vị chủ đầu tư.
Ông Hà Văn Chơ, ở bản Nà Lào, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, khi đơn vị trồng rừng về triển khai dự án, ông cũng như nhiều gia đình trong bản được chính quyền xã vận động cho dự án thuê đất. Gia đình đã góp tất cả đất nương được hơn chục ha để cho thuê và vận động con cháu tham gia trồng rừng. Khi trồng xong đơn vị triển khai dự án không chi trả bất cứ khoản nào và từ đó đến nay gia đình vẫn tự bỏ công ra chăm sóc, bảo vệ.
“Diện tích cây của bản trồng từ năm 2011 - 2012, riêng gia đình tôi đóng góp vào dự án 13ha. Sau khi trồng xong tôi nhận chăm sóc, bảo vệ và năm nào cũng phát băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Thế nhưng, sau khi trồng xong, Công ty Minh Phong đã trốn khỏi địa bàn và không trả tiền công thuê chăm, trồng cho dân, tận đến bây giờ vẫn không có, bà con chưa được xu nào”, ông Chơ bức xúc.
Để bảo vệ quyền lợi của người dân, chính quyền xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên đã nhiều lần tìm cách liên lạc với đơn vị chủ đầu tư, thế nhưng địa chỉ trụ sở Công ty Phong Minh đã chuyển đi nơi khác. Diện tích đất đã giao, nay người dân không thể sử dụng để canh tác, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ diện tích rừng hiện có.
Ông Triệu Văn Điện, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên cho biết, năm 2018, UBND tỉnh Lai Châu đã có quyết định thu hồi diện tích gần 800 ha mà DN chưa trồng rừng. Tuy nhiên, sổ đỏ của toàn bộ diện tích gần 1.000 ha hiện nay Công ty Phong Minh vẫn đang giữ. Nhiều DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã về địa phương khảo sát và có nhu cầu đầu tư, nhưng không thể triển khai dự án tiếp theo. Cả diện tích đã trồng rừng và chưa trồng, chính quyền xã đều đang gặp khó khăn trong công tác quản lý.
“Đối với gần 800 ha chưa sử dụng, trong thời gian tới xã sẽ rà soát để tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Diện tích hiện tại người dân đang sử dụng thì cũng sẽ đề xuất với các cấp có thẩm quyền để giao cho người dân canh tác, sản xuất. Còn đối với những diện tích mà người dân chưa sử dụng trong gần 800 ha, UBND xã sẽ quản lý theo quy định”, ông Điện nêu phương án.
Tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đang có 6 dự án được chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cho thuê đất để triển khai dự án trồng rừng và phát triển lâm nghiệp, với tổng diện tích gần 4.300ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 3 dự án đang triển khai hiệu quả, còn lại 3 dự án trồng rừng thuộc Công ty TNHH MTV Xây dựng Phong Minh, Công ty CP Minh Sơn, HTX Thành Vinh triển khai không hiệu quả. Cụ thể, do các chủ đầu tư triển khai chậm hoặc bỏ đất hoang nhiều diện tích lâu năm, không chi trả các chế độ đã cam kết, khiến cuộc sống của không ít hộ dân lao đao.
Ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi tỉnh có quyết định thu hồi diện tích đất của các DN không thực hiện cam kết, phần diện tích này đã được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đối với phần diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà hiện các DN đang giữ, huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi hoặc hủy, để đảm bảo các điều kiện cho các DN thực sự đủ điều kiện đầu tư.
“Hiện nay có rất nhiều DN quan tâm đến việc trồng, chế biến một số loài như cây mắc ca, cây gỗ lớn như quế. Tại địa phương cũng đã có 5 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát vùng trồng. Như vậy, huyện cũng xác định đây là cơ hội để đưa diện tích đất rừng mà trước kia giao cho các DN không thực hiện được tỉnh điều chỉnh lại, sau đó huyện sẽ quy hoạch những vùng này cho các đơn vị có nhu cầu”, ông Huy thông tin.
Tỉnh Lai Châu hiện nay đã có hàng chục dự án đầu tư trồng rừng và các cây công nghiệp nghiệp dài ngày theo hướng hàng hóa tập trung. Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ đồng bào người địa phương. Tuy nhiên, cũng không ít dự án kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vùng dự án, vì vậy cần được rà soát, thu hồi để mang lại hiệu quả sau đầu tư./.