Hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý 5.800 tỷ đồng nợ xấu mỗi tháng
VOV.VN - Trung bình, mỗi tháng hệ thống ngân hàng xử lý được 5.800 tỷ đồng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012-2017.
Chiều 13/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi họp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Tính đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Cũng theo ông Hùng, sau gần hai năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng trong việc duy trì và kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tính từ năm 2012 đến tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 907.000 tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm 2018 xử lý được trên 163.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
Về kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5.800 tỷ đồng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 đến năm 2017, thời gian trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Kết quả xử lý nợ xấu này cho thấy, khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, để xử lý nợ xấu hiệu quả, thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém; Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%./.
Ngân hàng nào đang có mức nợ xấu cao nhất?