Hiệp định TPP sẽ rất có lợi đối với Việt Nam
VOV.VN - Đánh giá này được HSBC đưa ra trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố.
Giải thích rõ hơn về cơ sở đưa ra nhận định này, khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cho rằng, ngày 29/6/2015 vừa qua, Tổng thống Obama đã ký ban hành luật về Quyền xúc tiến thương mại (Trade Promotion Authority – TPA) cho thấy các cuộc đàm phán đối với Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) có thể sẽ kết thúc trong những tháng tới.
Theo HSBC, Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động chi phí rẻ dồi dào và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong hai thập kỷ tới. (Ảnh minh họa: KT) |
Đối với Việt Nam, đây là một tín hiệu tích cực khi trước giờ vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Hiệp định TPP cũng có các điều khoản về đầu tư và dịch vụ mà có thể buộc Việt Nam phải tự do hoá các lĩnh vực đang được bảo hộ.
Cũng trong thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 60 cho biết từ tháng 9 năm 2015, Việt Nam sẽ tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài 49% đối với nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ với các ngành chủ lực như ngân hàng. Mặc dù HSBC tin tưởng rằng Nghị định 60 là một động thái tích cực, nhưng lại đánh giá việc tiếp tục bảo hộ các ngành quan trọng cho thấy các hoạt động cải cách sẽ còn chậm chạp.
“Rõ ràng, hiệp định TPP sẽ rất có lợi đối với Việt Nam” - HSBC đánh giá. Bởi theo HSBC, Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động chi phí rẻ dồi dào và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong hai thập kỷ tới. Năng suất lao động của Việt Nam dù đang ở một trong những mức thấp nhất trong khu vực nhưng lại có tốc độc tăng trưởng nhanh nhất nhờ vào lĩnh vực FDI hoạt động hiệu quả hơn. HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ tăng nhanh trong vài năm tới.
Theo HSBC tin rằng các yếu tố đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới sẽ là thương mại nhờ vào các thoả thuận thương mại quan trọng như TPP và nguồn lực chi phí lao động.
Tuy vậy, HSBC cảnh báo “những nguy cơ lớn nhất sẽ xuất phát từ chính Việt Nam khi việc phân bổ các nguồn lực thiếu hiệu quả sẽ khiến cho năng suất suy yếu dần và khiến Việt Nam rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình thấp. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy thoát ra khỏi điều này là khó có thể và đòi hỏi những nỗ lực tích cực để thúc đẩy đầu tư hiệu quả cho dù có ở đầu tư cơ sở hạ tầng phần cứng hay mềm”./.