Hiệp hội taxi TP HCM kiến nghị chấm dứt hoạt động của taxi Uber

Chủ tịch hiệp hội TP HCM cho rằng, nếu được ưu đãi như Uber thì taxi truyền thống có thể xây dựng giá cước thấp

>> Taxi Uber: Chuyên gia, nhà quản lý nói gì?
>> Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị tạm dừng dịch vụ Uber
>> Taxi Uber: Lợi - hại thế nào?
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng: Dân được lợi, sao không hợp pháp hóa Uber?
>> Uber không đóng thuế, không đăng ký kinh doanh, tiềm ẩn rủi ro?

Chiều 5/12, Hiệp hội taxi TP HCM đã có buổi làm việc và thống nhất kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT quyết định chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam cho đến khi có quy định mới phù hợp với hoạt động này.

Ông Tạ Long Hỷ cho rằng hiện Uber đang biện minh cho việc làm của mình chỉ là môi giới… Vì thế họ rũ bỏ mọi trách nhiệm pháp lý cho chủ xe - lái xe và khách hàng. Nếu là môi giới thì Uber chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giới thiệu và chờ nhận tiền hoa hồng… mọi vấn đề khác do các bên đối tác tự đàm phán, thương lượng và độc lập quyết định, không có sự tham gia của môi giới. Nhưng việc làm của Uber thì hoàn toàn khác.

Uber đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách giống như hoạt động của một hãng taxi thực sự. Cụ thể, Uber tiếp nhận yêu cầu của khách – cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và hành khách, rồi điều xe và quyết định hành trình chạy xe, quyết định giá cước khi kết thúc hành trình, thực hiện ăn chia với chủ xe… Ngoài ra Uber còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, quy định chế tài xử phạt khi lái xe có lỗi…

“Điều đáng nói ở đây là họ đã điều động xe và lái xe không đủ điều kiện hành nghề taxi và việc đưa rước khách. Họ trốn tránh mọi nghĩa vụ thuế, tránh né trách nhiệm hình sự, dân sự, lao động…” - ông Hỷ cho rằng vì hoạt động của Uber là kinh doanh "taxi dù" cao cấp.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp HCM cho rằng
Uber rũ bỏ mọi trách nhiệm pháp lý cho lái xe và khách hàng.
Tại sao Uber là có giá cước rẻ hơn taxi truyền thống? Ông Hỷ cho biết, trên thực tế các hãng taxi truyền thống ngoài việc đầu tư phương tiện, phải chịu nhiều loại thuế phí, riêng thuế VAT đã là 10%, phải lo trả vay ngân hàng, phải tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm khách khách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… trong khi Uber không phải tốn kém các khoản nói trên.

Hiệp hội taxi TP HCM cho biết, hiện tại nhiều tỉnh thành phố đã thực hiện chủ trương khống chế việc phát triển số lượng xe taxi theo quy hoạch ngắn hạn, dài hạn thông qua việc cấp hạn ngạch cho từng hãng taxi. Nay cho phép Uber hoạt động đồng nghĩa với việc tất cả mọi xe nhàn rỗi không phân biệt có phải taxi hay không đều được hoạt động đưa rước như taxi, vô tình đã phá vỡ kế hoạch, quy hoạch mà các địa phương xây dựng bấy lâu nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang ép buộc taxi truyền thống phải gắn hộp đen, giám sát hành trình (GPS)… Nếu sắp tới chấp nhận loại hình hoạt động của Uber (không cần và không có gì cả), chỉ cần sử dụng công nghệ thông qua ứng dụng của điện thoại thông minh thì taxi truyền thống có cần phải tiếp tục thực hiện các việc đầu tư trên nữa không? Vì việc đầu tư hệ thống GPS vừa tốn thời gian tiền bạc của doanh nghiệp, vừa không còn tác dụng khi Nhà nước cho phép các doanh nghiệp taxi áp dụng loại hình điều hành kiểu Uber hiện nay.

Trả lời báo chí về chất lượng dịch vụ của các hãng taxi hiện nay như thế nào khi hành khách đánh giá chất lượng của Uber tốt hơn, ông Hỷ thừa nhận rằng, chắc chắn các hãng taxi truyền thống phải xem xét lại mình, phải cố gắng phấn đấu, cải tiến quy trình công nghệ để vươn lên, khắc phục những thói hư tật xấu của tài xế,… nhưng chắc chắn không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều.

Ông Hỷ khẳng định: “Nếu hãng taxi truyền thống được ưu đãi như Uber chứng tôi cũng có thể xây dựng mức cước như giá của Uber hiện nay”. Ông đưa ra giả thiết, nếu được hoạt động như Uber thì hãng Taxi Vinasun sẽ bán đi hơn 5.000 chiếc xe để sắm mới 2.000 chiếc sang để phục vụ hành khách.

Hiệp hội taxi TP HCM kiến nghị, “trong khi Chính phủ chưa có văn bản nào mới thay thế hoặc cải sửa, bổ sung nghị định số 86/2014 –CP thì phải xem đây là cơ sở pháp lý cơ bản cho mọi hoạt động vận tải. Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào chưa đáp ứng được các điều kiện mà văn bản này quy định thì chưa được phép hoạt động kinh doanh”.

“Trên cơ sở nguyên tắc này, kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT quyết định chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam cho đến khi có quy định mới của Nhà nước phù hợp với hoạt động này”, nội dung văn bản nêu rõ.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hoạt động của Uber hiện nay là trái với Luật Giao thông đường bộ. Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa yêu cầu các đơn vị tham mưu cần nghiên cứu bổ sung quy định pháp lý để hợp pháp hóa và quản lý dịch vụ Uber nhằm đảo bảm quyền lợi của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên