Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Bình Định
VOV.VN - Nhờ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Định từng bước được nâng cao giá trị.
Trên các cánh đồng lúa ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, bà con nông dân vừa thu hoạch xong lúa vụ đông xuân. Nếu như trước đây, bà con phải dậy từ tờ mờ sớm ra đồng gặt lúa thì giờ đây, mọi việc đã có máy móc. Thay vì tay liềm, tay cuốc, người nông dân ra ruộng chỉ với 1 quyển vở và cây bút. Trên cánh đồng xã Phước Sơn, bà Dương Thị Thanh Hồng cho biết, các công đoạn thu hoạch đã có máy, bà chỉ chờ doanh nghiệp cân xong lúa tươi thì đến ký nhận tiền. Vụ này, gia đình bà Hồng làm 1 mẫu rưỡi lúa, cho sản lượng khoảng 5 tấn, thu về 30 triệu đồng nên rất phấn khởi.
“Mua lúa tươi nhưng giá lúa khô ở ngoài bao nhiêu thì ở đây người ta mua bấy nhiêu. Không phải phơi, chuyển lên rồi cân, giao tại ruộng. Mà người ta chỉ trừ có 5%, lợi cho người nông dân, chúng tôi rất mừng. Hợp đồng từ đầu vụ”, bà Hồng nói.
Hiện nay, tại tỉnh Bình Định, mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” có một số công ty tham gia vào chuỗi liên kết sẽ hỗ trợ giống; Hợp tác xã nông nghiệp quy hoạch, tập trung ruộng lúa của người dân thành vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nghiều địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, thu hoạch tạo ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Sau đó, doanh nghiệp ký hợp đồng với người nông dân thu mua sản phẩm tại ruộng theo giá cố định đầu vụ hoặc giá thị trường thời điểm mua, tùy hai bên thỏa thuận quyết định hình thức hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty giống Bình Định cho biết, đơn vị cam kết thu mua lúa theo hợp đồng đã ký kết với bà con và chất lượng lúa rất tốt.
“Chất lượng lúa năm nay năng suất đạt hơn những năm trước. Mình cung ứng lúa giống ban đầu cho người dân. Đến thời điểm thu mua, mình thu mua toàn bộ của người dân, đảm bảo 100% toàn bộ đầu ra. Còn người dân có trách nhiệm sản xuất lúa tiêu chuẩn cho mình”, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Trong vụ lúa đông xuân 2019-2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định xây dựng được 148 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và 4 cánh đồng lớn ở huyện Tuy Phước chuyên sản xuất lúa giống, Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, địa phương luôn duy trì từ 30 đến 50 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa. Gần 10 năm qua, các cánh đồng mẫu lớn này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh việc sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, huyện đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, sản xuất đại trà 1 loại giống trong cùng thời gian, góp phần nâng cao năng suất lao động, sản lượng.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Đinh cho biết, đến nay, 4 mô hình cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa giống cho năng suất rất cao, bình quân từ 80 đến 90 tạ/hecta. Từ thành công này, tỉnh Bình Định sẽ xây dựng khoảng 250 cánh đồng mẫu lớn có cả các loại cây trồng khác như bưởi, ngô, đậu phộng…
“Trên cơ sở khi chúng tôi xây dựng cánh đồng lớn đối với cây lúa chúng tôi mới thấy rằng với điều kiện sản xuất của nông nghiệp Bình Định, với diện tích nhỏ trên 1 đơn vị hộ như vậy nếu muốn xây dựng chuỗi gắn sản xuất với thị trường thì phải xây dựng cánh đồng lớn. Trong năm nay, chúng tôi đã xây dựng cánh đồng lớn nhưng sản phẩm khác như cây lạc ở vùng Phù Cát. Sắp đến sẽ xây dựng cây bưởi rồi một số sản phẩm có liên quan đến cây ngô sinh khối ký kết với Công ty Vinamilk”, ông Phan Trọng Hổ cho biết thêm./