Hình thức hợp tác công tư: Giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp
VOV.VN - Đây là ý kiến của đa số đại biểu ở hội nghị "Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và đối thoại ông - tư" tổ chức tại Hà Nội sáng 17/5.
Tại hội nghị "Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và đối thoại Công - tư" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (17/5) tại Hà Nội, các đại biểu nhấn mạnh đến việc cần chú trọng đến các cơ chế, chính sách tăng tính kết nối của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự phối hợp các Bộ, ngành liên quan trong hỗ trợ các hoạt động hợp tác Công - tư (PPP).
Cơ cấu lại nông nghiệp chưa đều; công tác chế biến chưa phát triển, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế chưa cao; thị trường tiêu thụ nhiều biến động, nguy cơ rủi ro cao... đang là những cản trở cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Đánh giá của đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam cho thấy, cần có kế hoạch dài hạn với sự cam kết tham gia cả 2 phía công - tư trong đầu tư các dự án vào nông nghiệp. |
Theo các đại biểu, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP là một trong những giải pháp lâu dài thu hút đầu tư vào ngành. Trong đó, tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, tính cạnh tranh và an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Đánh giá của đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam cho thấy, cần có kế hoạch dài hạn với sự cam kết tham gia cả 2 phía công - tư trong đầu tư các dự án vào nông nghiệp. Trong kết nối và hợp tác cần chú trọng đến các cơ chế, chính sách tăng tính kết nối của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự phối hợp các Bộ, ngành liên quan trong hỗ trợ các hoạt động PPP.
Bà Marion Martinez, Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam, Giám đốc điều hành Yara Việt Nam. |
Bà Marion Martinez, Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam, Giám đốc điều hành Yara Việt Nam cho biết: "Trên cơ sở đánh giá các mô hình để nhân rộng, cần chú trọng tạo ra kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị, làm sao kết nối để nông dân sử dụng được những vật tư đầu vào nông nghiệp chất lượng, với giá thành thấp, hỗ trợ nông dân nguồn vốn vay qua đó giải quyết tình trạng cung vượt cầu trong sản xuất nông sản, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững".
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chỉ rõ những thách thức đối với ngành nông nghiệp hiện nay như: Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với hàng triệu nông dân và nhiều mảnh ruộng khác nhau; sản xuất theo chuỗi giá trị đã hình thành nhưng còn khiêm tốn, chưa đồng bộ chủ yếu là xuất khẩu thô ảnh hưởng lớn đến giá trị gia tăng cũng như thu nhập của nông dân và những thành tố tham gia chuỗi. Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực và đến sớm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo sản xuất; cạnh tranh thị trường khi hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh. |
Theo Thứ trưởng: "Làm sao để cho sự tham gia hỗ trợ của khối quản lý Nhà nước trong xây dựng chính sách của Nhà nước và địa phương nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đã có mô hình tốt nhưng sự lan tỏa và nhân rộng còn hạn chế. Phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất có như thế mới nâng cao giá trị gia tăng và bền vững hơn, đồng thời tổ chức lại sản xuất tạo ra những mối liên kết chuỗi giá trị. Trong tổ chức lại sản xuất vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng, làm nòng cốt, dẫn dắt các đối tác trong chuỗi giá trị".
Sau 9 năm hoạt động tại Việt Nam, Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam đã triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng và mới thành lập thêm 1 Nhóm công tác PPP ngành chăn nuôi. Đối với các ngành hàng đang triển khai đã và đang được nhân rộng các chuỗi giá trị nông sản./.
Xuất siêu 2,7 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp trong 4 tháng
Nông nghiệp Tây Nguyên: Cần khích lệ tinh thần, văn hóa doanh nhân