Hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19: Chọn bên thắng hay chọn kẻ thua?
VOV.VN - Các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cần được thiết kế và ban hành sớm để kịp thời cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp.
Khoảng 70% DN bị ảnh hưởng vì Covid-19
Kể từ khi ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng được phát hiện tại Đà Nẵng hôm 25/7, đến nay, đã có 17 địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 có liên quan tới Đà Nẵng. Đại dịch Covid-19 quay lại đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) càng trở nên khó khăn và qua đó việc thực hiện mục tiêu kép gian nan hơn thời gian trước rất nhiều lần. Không ít DN, nhất là DN sản xuất hàng xuất khẩu cho biết, nguồn nguyên liệu dự phòng của DN đang dần cạn kiệt, chỉ có thể cầm cự được 1-2 tháng nữa do không có đơn hàng mới, chuỗi cung cũng đứt đoạn. Số người lao động mất việc làm, giảm việc làm đã tăng cao và sẽ còn tăng cao nữa.
Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có khoảng 70% DN bị ảnh hưởng vì Covid-19 và số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người. Các dự báo mới đây cho rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở khoảng 2%; thậm chí đã có dự báo tăng trưởng âm. Với Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 5% mới đủ bảo đảm việc làm. Dưới mức này, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp, mất việc tăng lên sẽ kéo theo nhiều áp lực.
Các gói hỗ trợ hiện nay đang thực hiện có quy mô vào khoảng 3,5% GDP, quá nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi vậy, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cần có thêm các gói kích thích mới để nâng quy mô các gói kích thích sẽ lên tới 4%-5% GDP năm nay. Gói kích thích kinh tế mới phải đủ liều lượng và phải tính cả cho năm 2021. Điều đó cũng có nghĩa phải chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn, chấp nhận nới trần nợ công.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, gói hỗ trợ lần này cần hướng đến hỗ trợ người lao động, hỗ trợ DN để DN giữ lao động, bởi nếu người lao động mất việc làm sẽ kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng về cả kinh tế, xã hội và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ mới ngoài quy mô lớn hơn, có diện hỗ trợ bao trùm tổng thể nhưng đồng thời cũng phải có cả những trọng tâm, lĩnh vực riêng, chú trọng các yếu tố liên quan đến sáng tạo, đổi mới, kỹ năng… gắn với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng mới và có thể thêm gói hỗ trợ lao động mới. Đồng thời, cần phải ban hành nhanh, thực hiện quyết liệt.
“Gói hỗ trợ cần được sớm ban hành, nếu không sẽ không còn ý nghĩa. Hoạch định chính sách ngay từ bây giờ nhưng cần tính toán cho năm 2021 và xa hơn là giai đoạn 2021 – 2025 – giai đoạn phục hồi sau đại dịch”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Chọn kẻ thắng hay chọn kẻ thua?
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nếu DN lớn thất bại thì khó quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ bị ảnh hưởng hơn. Ông cũng lưu ý các nước đang làm nhiều hơn và làm nhanh hơn Việt Nam. Còn ở Việt Nam, gói hỗ trợ đã được ban hành đến nay thực hiện vẫn rất chậm. Vì vậy, cần tăng tốc thực hiện gói hỗ trợ lần 2 đồng thời kéo dài gói này sang năm 2021. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, phải quản lý bằng cách thức sáng tạo.
“Chúng ta đang ở trong tình hình mới, vì vậy đừng đặt ra điều kiện, quy định để những chính sách hỗ trợ đưa ra lại không được hiện thực trên thực tế. Nếu gói hỗ trợ lại đi kèm quy định đòi hỏi nhiều thủ tục mà những thủ tục đó làm được cũng mất thời gian tính bằng tháng thì có khi DN phá sản, lao động mất việc làm rồi cũng chưa được cứu”, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, các giải pháp hỗ trợ DN không phải để cứu các DN hấp hối, không phải chỉ nhìn trong vòng 6 tháng tới.
“Tôi biết nhiều người đặt câu hỏi có ưu tiên DN nhỏ và vừa không, có ưu tiên DN sắp phải đóng cửa không… Nhưng lúc này, phải nhìn vào thực tế là chúng ta không đủ nguồn lực để cứu toàn bộ DN, cũng không nên cứu DN yếu kém và cũng không có cách nào cứu được. Nguồn lực hỗ trợ cần phải dành cho các DN sẽ ở bên thắng cuộc sau khi dịch bệnh qua đi”, ông Cung khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh nỗ lực phục hồi kinh tế, cố gắng để có được mức tăng trưởng cao nhất, vẫn cần duy trì tốt ổn định vĩ mô. Do đó, các gói kích thích cần được cân nhắc thấu đáo theo nhiều chiều cạnh, phải được tính đủ, tính đúng liều, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan để không để lại những hệ quả xấu khó gỡ như đã từng có khi tung ra gói kích cầu trước đây.
“Nếu không đúng thuốc, đúng liều thì hậu quả còn nặng hơn”, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo. Theo ông Thiên, phải có cách tiếp cận cứu DN hiệu quả hơn, để cả nền kinh tế đứng dậy sớm và chớp thời cơ, không bỏ sót nhưng phải ưu tiên cứu DN nào giúp nền kinh tế đứng dậy được, chứ không phải để tất cả cùng thoi thóp./