Hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp sau dịch Covid -19
VOV.VN - Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cùng các các ban, ngành tìm cách hỗ trợ phụ nữ khắc phục khó khăn sau đại dịch, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.
Sáng 13/5, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình tọa đàm - đối thoại với chủ đề: “Hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sau đại dịch Covid-19”. Chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nữ để phục hồi sản xuất kinh doanh sau thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Coivd-19.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 3.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ quản lý. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông sản và dịch vụ du lịch. Đây cũng chính là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ vốn vay khởi sự kinh doanh- khởi nghiệp cho phụ nữ |
Tại buổi đối thoại, đại diện doanh nghiệp nữ cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra của sản phẩm. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Hoàng Thị Thúy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh cho biết, hoạt động chính của công ty là cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà hàng, khách sạn và trường học trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid -19, các đầu mối nhập hàng của công ty đều ngưng hoạt động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng băng hoàn toàn. Thiệt hại về kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Để doanh nghiệp sớm phục hồi sau dịch, chị Thúy cho rằng, cùng với gói hỗ trợ của Chính Phủ, tổ chức Hội phụ nữ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc hỗ trợ giải quyết về thủ tục, chính sách, để giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn kịp thời.
“Vai trò của Hội phụ nữ tỉnh phải năng động hơn, giống như làm đầu mối để luôn động viên, giữ lửa cho chị em khi làm kinh tế đi đến đích, để giúp họ được thụ hưởng. Nếu không thì dù Chính phủ tung ra một gói hỗ trợ mấy chục nghìn tỷ nhưng thực sự để các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhận được hỗ trợ, vượt qua khủng hoảng của hậu dịch là rất khó. Chính phủ thì thương dân nhưng bản thân người dân được nhận thì cần người trung gian để giải quyết được vấn đề này. Vai trò của người trung gian để kết nối là tối quan trọng và vai trò trung gian ấy nên là Hội phụ nữ”, chị Thúy nêu ý kiến.
Thông qua buổi đối thoại, các đại biểu là Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ngân hàng nhà nước, Cục Thuế, Sở Công Thương cũng đã trao đổi về giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sau đại dịch Covid-19, bao gồm tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm cho các doanh nghiệp và người dân, trong đó có phụ nữ; các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch… tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên phụ nữ khởi nghiệp trong tỉnh được tiếp cận với các nguồn vốn khởi nghiệp...
Về nội dung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, ông Nguyễn Kim Cương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến cuối tháng 4, ngành ngân hàng đã rà soát và xử lý khoảng 7.500 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Coivd-19 bằng các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm miễn lãi giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với thời điểm trước khi có dịch. Con số này chiếm khoảng 7,5% dư nợ cho vay toàn tỉnh và việc thực hiện việc miễn giảm lãi suất phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi ngân hàng.
“Ngành ngân hàng đang nỗ lực tối đa để hỗ trợ khách hàng trong khả năng tài chính có thể. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp hết sức hợp tác với các ngân hàng trong việc làm các thủ tục để giúp cho các ngân hàng thực hiện hỗ trợ việc giảm lãi suất để có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Kim Cương khẳng định.
Kịp thời hỗ trợ phụ nữ khắc phục khó khăn sau đại dịch, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã dành nguồn vốn 1,71 tỷ đồng để hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Cùng với đó, Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cũng đang triển khai nhiều giải pháp để giúp doanh nhân nữ khởi sự kinh doanh trong thời gian tới. Cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh sự kết nối với các tổ chức thương mại, tổ chức tín dụng, các ngân hàng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nữ tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh nhất, nhiều nhất.
"Chúng tôi tiếp tục đưa các sản phẩm của chị em khởi sự kinh doanh khởi nghiệp lên các chuyên mục để giới thiệu quảng bá sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. Hội phụ nữ cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm của các doanh nghiệp nữ lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Trung ương hội. Đồng thời, chúng tôi cũng đang có phương án chuẩn bị tháng 6 này sẽ ra mắt điểm tiêu thụ kết nối sản phẩm chất lượng cao”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho hay./.