Hòa Bình tái canh cây có múi theo hướng phát triển bền vững

VOV.VN - Đề án tái canh cây ăn quả có múi ở Hòa Bình xác định sản xuất theo chuỗi giá trị, khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Hòa Bình có trên 11.500 ha cây ăn quả có múi, chiếm trên 5% diện tích của cả nước. Sau giai đoạn phát triển nóng, những vùng trồng cây ăn quả đang phải trả giá cho việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, nhiều diện tích trồng cây có múi ở Hòa Bình đã hết chu kỳ phát triển, phải thay mới. Chính vì vậy, việc thực hiện tái canh theo hướng hữu cơ sẽ là hướng đi bền vững.

Huyện Cao Phong là địa phương có chỉ dẫn địa lý cây ăn quả ở tỉnh Hòa Bình với trên 1.700 ha cây có múi. Quá trình canh tác lâu năm, cùng với việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học đã khiến nhiều diện tích đất trồng bị thoái hóa, tích lũy nhiều nguồn sâu bệnh, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững cây ăn quả.

Đề án tái canh cây ăn quả có múi được xác định sẽ tổ chức lại sản xuất, với vai trò nòng cốt là DN, HTX liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất, theo chuỗi giá trị, khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Nông sản Cao Phong cho biết, HTX có 15 thành viên, trồng trên 20 ha cây cam cho sản lượng 300 tấn/năm. “Khi diện tích cây đã hết chu kỳ, các thành viên HTX thực hiện quy trình cải tạo đất và trồng cây họ đậu cho đất tốt hơn. Khi bước vào trồng các xã viên giảm thiểu hóa chất, tăng cường dùng phân trâu bò khoai mục làm phân bón. HTX cũng yêu cầu các thành viên cam kết không dùng thuốc diệt cỏ, giữ lại cỏ để tạo độ ẩm cũng như vi sinh vật phát triển tăng độ màu cho đất”, chị Thủy chia sẻ.

Ông Đỗ Ngọc Hà, ở xóm Lãi, thôn Tây Phong, huyện cao Phong hiện trồng trên 2 ha cây cam theo mô hình hữu cơ. Do cam đạt tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên một năm trừ chi phí cũng lãi được trên 200 triệu đồng. “Cam được trồng theo hướng hữu cơ nên phân chuồng rải mặt và dùng men vi sinh bón cây. Cả năm 2022, gia đình mới chỉ dùng 3 chai thuốc sâu sinh học bên ngoài còn lại toàn dùng thuốc thảo dược”, ông Hà nêu “bí kíp”.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cao Phong đặt mục tiêu tái canh khoảng 800 ha cây ăn quả có múi, chăm sóc lại theo quy trình hữu cơ 700 ha. Để tái canh, huyện Cao Phong đã tạo quỹ đất sạch phục vụ trồng mới, tổ chức lại sản xuất trên diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng giống cây trồng ngắn ngày như đậu đỗ, ngô, chuối…

Đến nay, toàn huyệ đã có khoảng 780ha được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất với thời gian từ 2 - 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm. Tuy nhiên, đề án tái canh ở huyện Cao Phong cũng như của tỉnh Hòa Bình đang gặp khó khăn do việc xác định sau luân canh đất đã đủ cơ sở khoa học bằng việc lấy mẫu phân tích, đánh giá mức độ tồn dư sinh vật hại trong đất vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Cùng với đó, đối với những diện tích đất chưa đảm bảo sạch sâu bệnh vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để phục hồi hệ sinh thái.

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong cho biết, đối với chương trình tái canh, trước mắt huyện tổ chức lại sản xuất tạo các vùng đủ lớn để xây dựng mã số vùng trồng. Song song với cải tạo đất là việc tuyển chọn cây giống sạch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia để cam phát triển bền vững.

Huyện Cao Phong đang đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, đặt mục tiêu trong 5 năm tới ít nhất 75% số hộ sản xuất là thành viên của DN và được giám sát chặt chẽ về quy trình canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh buôn bán giống cây ăn quả có múi không đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định.

“Đề án tái canh của huyện phù hợp với điều kiện hiện nay. Huyện xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi trong 5 năm tiếp theo, là cứu cánh của địa phương. Nâng cao chất lượng cam sản xuất theo chuỗi sẽ phát huy, giữ gìn chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong…”, ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong khẳng định.

Mục tiêu sau tái canh của tỉnh Hòa Bình có ít nhất 70% sản lượng quả tươi được sơ chế đạt yêu cầu, 10% được chế biến có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời có 50 mã số vùng trồng, ít nhất 10 sản phẩm hoa quả được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu này, việc phát huy nguồn lực DN, HTX và đặc biệt là thay đổi được tư duy của người sản xuất sẽ là đòn bẩy thực hiện thành công việc tái canh, phát triển vùng cây ăn quả một cách bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không phát triển ồ ạt, tìm đầu ra bền vững cho cam Cao Phong
Không phát triển ồ ạt, tìm đầu ra bền vững cho cam Cao Phong

VOV.VN - Cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình.

Không phát triển ồ ạt, tìm đầu ra bền vững cho cam Cao Phong

Không phát triển ồ ạt, tìm đầu ra bền vững cho cam Cao Phong

VOV.VN - Cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội cam Cao Phong kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng
Lễ hội cam Cao Phong kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng

VOV.VN - Theo Ban tổ chức, ngay trong ngày đầu tiên của Lễ hội cam Cao Phong đã có hơn 100 tấn cam được bán ra thị trường.

Lễ hội cam Cao Phong kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng

Lễ hội cam Cao Phong kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng

VOV.VN - Theo Ban tổ chức, ngay trong ngày đầu tiên của Lễ hội cam Cao Phong đã có hơn 100 tấn cam được bán ra thị trường.

Mùa cam Cao Phong - mùa của những tỷ phú làm giàu
Mùa cam Cao Phong - mùa của những tỷ phú làm giàu

VOV.VN -Cam Cao Phong là một đặc sản lâu đời của tỉnh Hòa Bình, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Mùa cam Cao Phong - mùa của những tỷ phú làm giàu

Mùa cam Cao Phong - mùa của những tỷ phú làm giàu

VOV.VN -Cam Cao Phong là một đặc sản lâu đời của tỉnh Hòa Bình, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.