Hoa tươi Trung Quốc lấn lướt thị trường Việt
Vùng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), nông dân đang điêu đứng vì bị hoa Trung Quốc ép giá.
Dư âm về thương lái Trung Quốc sang hoạt động thương mại, thu mua nông sản gây sóng gió trên thị trường Việt Nam còn chưa dứt, thì nông sản Trung Quốc lại tràn sang Việt Nam gây sức ép cho người nông dân.
Hoa Đà Lạt mất giá thảm
Gần đây hai địa phương trồng hoa hồng nhiều nhất ở Đà Lạt là làng hoa Vạn Thành và An Sơn vắng hẳn bóng người. Giá các loại hoa tại đây giảm thê thảm, trung bình từ 50-60% so với trước. Những vườn hoa hồng đã bung nụ bị bỏ mặc, nhiều vườn đã nở rộ, nhưng nông dân cũng không buồn thu hoạch…
Hoa hồng tại Đà Lạt đang bị rớt giá mạnh |
Hoa hồng tại Đà Lạt chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước. Trước đây, mức tiêu thụ mạnh và giá cả loại hoa này tương đối ổn định, từ 800 - 1.000 đồng/bông. Thời gian gần đây, thị trường bất ngờ giảm sức mua khiến các đầu mối ngừng nhập, nếu có cũng chỉ một lượng nhỏ với giá rẻ chỉ 200 đồng/bông.
Không riêng hoa hồng, hoa ly từ lâu nổi tiếng là loại hoa quý phái, đắt đỏ thì nay cũng chung một cảnh. Theo đó, giá hoa ly thường ở mức 100.000 đồng/bó 5 cây, nhưng nay chỉ còn 60.000 đồng, trong khi trồng ly đòi hỏi đầu tư chi phí rất cao. Ngoài những loại hoa trên, giá các loại như hoa đồng tiền, cẩm chướng, và nhất là cúc cũng ảm đạm không kém. Làng hoa Thái Phiên, nơi có tới 90% quỹ đất sản xuất hoa cúc các loại, giá hoa hiện đã giảm từ 4.000 đồng/ bó 5 cây xuống còn 1.000 đồng/bó. Nhiều chủ vườn không thu hoạch mà cố chờ hoa lên giá mặc dù đã nở rộ.
Theo ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, thị trường hoa Việt Nam đang bị hoa Trung Quốc chiếm lĩnh khi họ bán các loại hoa cùng loại vào nước ta với giá rẻ hơn, đặc biệt là hoa ly… Hiện hoa Trung Quốc chưa thể vào thị trường Đà Lạt nhưng đã gần như xâm chiếm hoàn toàn thị trường phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Nam bộ. Ở Trung Quốc hiện đang là thời kỳ rộ hoa ly nên giá bán sang Việt Nam chỉ ở mức 25.000 đồng/bó 10 bông.
Trông người lại ngẫm đến ta
Trao đổi về tình trạng một số thương lái Trung Quốc gây náo loạn thị trường nông sản Việt Nam thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh. “Chúng ta khuyến khích và hoan nghênh những doanh nhân tích cực, đồng thời chấn chỉnh theo luật pháp những người làm ăn không chính đáng, gây hại cho bà con nông dân cũng như nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Phát cho biết.
Song, cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước khác là chủ trương nhất quán, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp cũng như kinh tế. Nông nghiệp nước ta trở thành một nền nông nghiệp hội nhập sâu sắc, tham gia mạnh mẽ vào thị trường quốc tế.
Vì vậy, nông, lâm, thủy sản của nước ta muốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô thì phải mở rộng thị trường quốc tế. Trung Quốc hiện là một thị trường lớn, gần về khoảng cách và thị hiếu cũng gần với Việt Nam. Do vậy, việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước có ý nghĩa lớn.
Ông Phát cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy quan hệ buôn bán nông sản giữa hai nước. Hiện, xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá cao, và là ngành xuất siêu”. Do đó, Bộ NN&PTNT đang cùng với các cơ quan chức năng của Trung Quốc thiết lập những kênh chính thức để giải quyết khó khăn và tạo điều kiện để các doanh nhân làm ăn theo đúng quy định luật pháp của hai nước.
Việt Nam đã gia nhập WTO thì phải tuân thủ một thị trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Không chỉ hoa Đà Lạt bị hoa Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt, mà các loại nông sản khác như rau quả, tỏi ớt, gia vị… từ lâu đã bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh. Vấn đề đặt ra, Việt Nam phải thay đổi cách sản xuất, từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn để giảm giá thành, nâng cao chất lượng./.