Hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy ngân hàng số

VOV.VN - Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển ngân hàng số trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy, nước ta hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch này vẫn còn nhỏ. Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển ngân hàng số trong thời gian tới.

Trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có lợi thế trong phát triển kinh tế số. Theo đó, nước ta có hạ tầng số phát triển khá mạnh so với các nền kinh tế trong khu vực, đây cũng chính là lợi thế để chuyển kinh tế số sang không gian số, thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp.

Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển ngân hàng số trong thời gian tới. (Ảnh: KT)

Trong lĩnh vực ngân hàng, so với mô hình ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình truyền thống. Theo đó, tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng được thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị di động với một giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng.

Tuy nhiên, dù nước ta đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, song vẫn còn trở ngại về thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này đang khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi.

Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến: “Đầu tiên chúng ta phải xây dựng một khung pháp lý chuẩn mực, rất nhiều người lo lắng là phương pháp lý của chúng ta còn quá chậm. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một thời gian đủ để xây dựng hạ tầng cơ sở pháp lý chặt chẽ. Chúng ta không nên vội vàng nhảy vào những phạm vi mà chúng ta chưa hoàn toàn kiểm soát được. Vì thế nền tảng pháp lý là quan trọng”.

Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng, Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản Việt Nam đã có khung khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới. Tuy nhiên, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số, trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.

“Rõ ràng là chúng ta cần một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vấn đề này là cực kỳ quan trọng là cội nguồn trong việc phát triển về kinh tế số ngân hàng số. Một trong những điểm trong hoạt động kinh tế số chính là phải được định danh được khách hàng, chừng nào chúng ta định danh được hoạt động kinh tế số này là do ai làm thì chúng ta sẽ hạn chế được rủi ro. Vấn đề tiếp theo, xây dựng quy định kinh tế số đó là bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo mật giao dịch và an ninh an toàn” - ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên