Hoàn thiện quy trình khai thác cá ngừ đại dương theo chuỗi
VOV.VN - Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định quyết tâm thực hiện mô hình khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản.
Chuyến cá ngừ đầu tiên được ngư dân tỉnh Bình Định đưa sang bán đấu giá tại Trung tâm đấu giá Osaka (Nhật Bản) không được như kỳ vọng. Đây là chuyến hàng đầu tiên áp dụng quy trình đánh bắt, bảo quản cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản nên chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Thế nhưng, từ đó cũng đặt ra nhiều vấn đề với ngư dân và chính quyền tỉnh Bình Định.
Trong đợt ra quân đầu tiên, 4 tàu câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định khai thác được 54 con cá ngừ đại dương, trọng lượng gần 450kg. Qua lựa chọn, đánh giá chất lượng, chỉ có 9 con cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Trước đó, Công ty CP thủy sản Bình Định đã đầu tư gần 120 triệu đồng thu mua cá, trợ giá 20% cho ngư dân và vận chuyển cá sang Nhật Bản bán tại Trung tâm đấu giá Osaka. Số cá này bán đấu giá chỉ được gần 120 triệu đồng. Như vậy, chuyến đầu tiên bán cá sang Nhật không có lãi. Chuyến cá ngừ đầu tiên xuất sang thị trường Nhật Bản chưa mấy thành công là do chất lượng không cao.
“Thời gian tới Nhật Bản sẽ cùng phối hợp tập huấn lại cho ngư dân Việt Nam thành thạo quy trình kỹ thuật, nhất là khâu đưa cá lên tàu và cách ướp lạnh cá để đảm bảo được độ tươi của cá. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cùng phối hợp với Công ty Thủy sản để tìm kiếm thị trường cho cá ngừ của các bạn”, ông Soga cho biết.
Ông La Tình, một trong những ngư dân tham gia mô hình khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản cho biết, hiện nay, trong đội tàu 5 chiếc, có 1 chiếc được chuyên gia Nhật Bản đi cùng để hướng dẫn ngư dân khai thác. Ngư dân La Tình cho rằng, nếu thực hiện theo quy trình hướng dẫn, chi phí đánh bắt cao hơn nhiều, trong khi giá cả chỉ tăng 20% nên khó có lời.
“Trong quy trình đánh bắt và sơ chế mình làm còn sai nhiều, trong khi phía Nhật Bản hướng dẫn phẫu thuật cá, vệ sinh cá sạch sẽ rồi cho vào thùng đá ngâm hạ nhiệt độ từ 24 độ xuống 18 độ, xuống 5 độ rồi 0 độ. Việc làm này tuy có tốn đá nhưng cá đạt chất lượng, bên Nhật sẽ tăng giá mua từ 50% - 70% khi ấy ngư dân mới có lãi”, ông Tình cho biết.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định quyết tâm thực hiện mô hình khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, và chỉ đạo ngành chức năng triển khai nhân rộng mô hình này.
Theo đó, ngoài 5 tàu cũ, tỉnh sẽ thành lập thêm 2 nhóm tàu mới (mỗi nhóm 5 tàu), đồng thời hỗ trợ trang thiết bị đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản. Tỉnh Bình Định cũng đang thí điểm tự sản xuất các dụng cụ đánh bắt để giảm chi phí đánh bắt. Tỉnh cũng vừa cử một số cán bộ sang Osaka (Nhật Bản) học tập kỹ năng lựa chọn cá.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ thực hiện yêu cầu từ phía Nhật Bản, tiếp tục cử thêm 2 người kỹ thuật để có thể lựa chọn những con cá có chất lượng tốt. Thêm đó là tiếp tục cử 2 thuyền trưởng qua Nhật Bản tập lại những động tác nhuần nhuyễn hơn cho việc câu cá ngừ đại dương./.