Hơn 100 km kênh thủy lợi xuống cấp ảnh hưởng năng suất 8.200 ha cây trồng
VOV.VN - Gần 20 năm đưa vào vận hành sử dụng, hiện gần 105 km kênh thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho trên 8.200 ha cây trồng ở huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk) đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hiệu quả canh tác của người dân.
Dù hàng năm vẫn được bố trí kinh phí duy tu bảo trì, nhưng do nguồn hạn hẹp, công tác sửa chữa đã không thể khắc phụ triệt để các điểm hư hỏng.
Sạt lở, sụt lún, nứt vỡ hư hỏng, là tình trạng đang xảy ra trên suốt tuyến kênh chính đông, dài gần 10 km, dẫn nước từ Hồ Ea Sup hạ về xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Nhiều đoạn bê tông bị sụp thành những hố rộng, bờ kênh bị xói lở. Anh Nguyễn Văn Phú, nhà có 8 sào lúa nước nằm ngay sát tuyến kênh này ở cuối thôn 5, xã Ea Bung cho biết, vài năm gần đây, nước về không đều nên năng suất lúa giảm tới hơn 30%, người trồng lúa không còn lợi nhuận.
“Kênh nó bị vỡ rồi thấm nước, nên lượng nước dẫn về cuối thôn 5 không đủ. Để sản xuất được thì bà con phải khoan giếng, tận dụng nước ở các đoạn suối đặt máy để bơm tưới cho lúa. Chi phí đầu vào rất cao do phân bón, điện đóm tăng cao, nhiều bà con trồng lúa bị thua lỗ” - anh Nguyễn Văn Phú nói.
Theo ông Lê Hồng Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung, địa phương có hơn 1.000 ha lúa được tưới từ nguồn nước của kênh chính đông. Nhưng sau hàng chục năm sử dụng, không chỉ 10 km kênh chính, mà hầu hết hệ thống kênh nhánh đi qua địa bàn xã, cũng đã xuống cấp trầm trọng, khiến sản xuất lúa trong toàn xã bị ảnh hưởng.
“Hệ thống kênh mương này đưa nước về cánh đồng của người dân rất chậm, thậm chí nhiều chỗ không có nước chảy về, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất gieo trồng. Chúng tôi đã kiến nghị và mong muốn UBND tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương để làm sao đưa nước về kịp thời đến tất cả các diện tích tưới tiêu cho cây trồng của bà con trong xã, để làm sao năng suất mùa vụ được hiệu quả hơn” - ông Lê Hồng Hạnh nói.
Ea Súp là địa bàn trọng điểm lúa của tỉnh Đắk Lắk, có hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh cùng hệ thống kênh dài gần 105 km, chủ động tưới cho 8.210 ha cây trồng; Cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 dân.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quốc Bảo – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình Thuỷ lợi tỉnh Đắk Lắk, hệ thống kênh này đang bị xuống cấp nghiêm trọng với rất nhiều điểm sạt lở, sụt lút, nứt vỡ. Ở các vị trí khác, bê tông cũng đã lão hóa và thấm nước. Hàng năm công ty được bố trí hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.
Riêng trong năm 2023, được UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ thêm hơn 10 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh, phục vụ nâng cấp, sửa chữa các điểm hư hỏng, sạt lở trọng yếu… Nhưng số kinh phí này không khắc phục được tình trạng xuống cấp đồng loạt của các tuyến kênh.
Ông Trịnh Quốc Bảo cho rằng, để sửa chữa hiệu quả, sẽ cần đến số kinh phí lớn hơn rất nhiều: “Để sửa chữa lớn, hoặc khắc phục hư hỏng toàn bộ các tuyến kênh thì cần phải nhờ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, để sửa hết hòm hòm cũng phải trên 100 tỷ đồng mới đủ. Nguồn kinh phí được trích từ nguồn thu công ích thủy lợi, hỗ trợ phòng chống thiên tai thì không thể đủ được”.
Đến nay, nông dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, chuẩn bị làm đất, gieo cấy vụ hè thu năm 2024. Với hệ thống kênh thủy lợi chưa được khắc phục, sửa chữa kiện toàn, thì hàng nghìn ha lúa của bà con nơi đây có thể tiếp tục đối mặt với mùa vụ giảm năng suất khi không đảm bảo nguồn nước tưới.