Hơn 3.000 tỉ đồng tín dụng cho tái canh cà phê tại Lâm Đồng
(VOV)-Người trồng cà phê tái canh có thể được vay vốn ưu đãi tới 80% nhu cầu, với thời gian vay tới 7 năm, 3 năm đầu ân hạn không trả gốc.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao của Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây nguyên nói chung. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích cà phê đã bị sâu bệnh, già cỗi, nếu không kịp thời tái canh sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như sự phát triển ổn định của ngành cà phê Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chọn Agribank để thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng tái canh cà phê giai đoạn 2013 – 2015.
Cũng như ở các địa phương khác, Agribank tại tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai gói tín dụng hơn 3.000 tỉ đồng cho chương trình tín dụng này. Quang Sáng, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiểu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về nội dung này.
PV: Thưa ông, chương trình tín dụng tái canh cà phê là một chủ trương lớn và thiết thực, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương và khu vực. Đến thời điểm này Agribank Lâm Đồng đã triển khai chương trình này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Chiểu: Chương trình tín dụng tái canh cà phê là một chương trình quan trọng. Đến nay, chúng tôi đã ban hành, hướng dẫn cho vay đối với khách hàng thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Lâm Đồng.
Chúng tôi cũng đã xây dựng 4 dự án mẫu về tái canh, cải tạo giống cà phê như: tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi, trồng bằng cây cà phê vối ghép, trồng bằng cây cà phê vối thực sinh và trồng mới cà phê chè.
PV: Thưa ông, người trồng cà phê đang quan tâm là làm thế nào để tiếp cận với nguồn vốn vay, các mức hỗ trợ về lãi suất cũng thời hạn vay như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Chiểu: Chúng tôi cũng đã xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với chương trình này. Thứ nhất, lãi suất cho vay đối với chương trình này có ưu tiên, giảm khoảng 1,5% so với các lãi suất cho vay thông thường.
Thứ hai, căn cứ vào định mức đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ngân hàng sẽ cam kết cho vay 70% nhu cầu vốn đó.
Cá biệt có những trường hợp đầu tư theo công nghệ cao, cả tưới tự động, giống và quy trình chăm sóc tân tiến, cây che bóng mát… có thể được cho vay đến 80%.
Thứ ba, đưa ra tính linh hoạt trong bảo đảm tiền vay, ngoài những hộ vay đến 50 triệu không cần phải thế chấp tài sản như Nghị định 41 quy định, những hộ vay lớn mà đã đem hết tài sản vẫn chưa đủ thì sẽ tính thêm cả giá trị cây trồng trên đất, giá trị vườn cây hình thành từ vốn vay ngân hàng.
Trong trường hợp cá biệt vẫn còn thiếu thì sẽ cho vay một phần không có tài sản đảm bảo. Về thời gian, riêng chương trình này có thể chỉ trong 2,5 ngày là quyết định cho vay rồi.
Thông thường trả nợ trước hạn ngân hàng được phép thu phí nhưng đối với chương trình này cũng như các chương trình liên quan đến nông nghiệp nông thôn, Agribank Lâm Đồng sẽ không thu phí. Thời gian vay tối đa là 7 năm. 3 năm đầu là ân hạn không trả gốc, 4 năm tiếp theo mới trả gốc là lãi.
PV: Rõ ràng nguồn vốn để triển khai chương trình tái canh cà phê rất lớn, xin ông cho biết liệu Agribank Lâm Đồng có đảm bảo đáp đủ nhu cầu vay, cũng như các giải pháp để đảm bảo thu hồi vốn theo đúng hạn định?
Ông Nguyễn Văn Chiểu: Nhu cầu vốn cho chương trình này khá lớn, trước hết chúng tôi sẽ bằng khả năng cân đối vốn, tăng cường khả năng huy động vốn để nâng cao khả năng tự cân đối vốn. Với sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước và sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN cho vay tái cấp vốn với số vốn tương đương 50%, chắc chắn không có tình trạng thiếu vốn.
Kể cả trong mùa vụ ở Tây nguyên nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng, chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng đúng, đủ và kịp thời. Đây là một chương trình đã thẩm định, tính toán rất khoa học, về mặt hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn, cho nên nếu làm đúng quy trình như quy định, có sự trợ giúp, quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía các cấp các ngành tchắc chắn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả sử dụng vốn rất cao, khả năng trả nợ ngân hàng không phải là vấn đề lớn.
PV: Xin cảm ơn ông!/.