Hơn 75.000 tỷ đồng nợ thuế xử lý thế nào?

VOV.VN - Với 75.000 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong khi thời gian không còn nhiều, rõ ràng ngành thuế cần phải có những giải pháp quyết liệt.

Từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã thu hồi, xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2016, tổng số nợ thuế hiện còn rất lớn lên tới 75.000 tỷ đồng. Ngành thuế đặt quyết tâm xử lý, thậm chí cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, nhưng cũng không quá gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến phá sản, mất nguồn thu.

Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, sản xuất đình trệ khiến ngành thuế không có nguồn để thu.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến ngày 31/5, tổng nợ thuế của cả nước lên đến 75.000 tỷ đồng, giảm 770 tỷ đồng so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 1.500 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trong đó, số tiền nợ thuế không có khả năng thu lên đến 15.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế kéo dài có nhiều nguyên nhân. Đó là doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Nhưng cũng có doanh nghiệp có nguồn tiền vẫn cố tình chây ỳ, nợ thuế kéo dài. Ngoài ra, có phần do luật pháp chưa nghiêm, cơ chế giám sát, xử lý lỏng lẻo, doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế không bị xử lý nghiêm.

“75.000 tiền nợ thuế là tương đối lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn cho nên tùy từng điều kiện trường hợp cụ thể để có giải pháp phù hợp. Với doanh nghiệp thực sự khó khăn, cần có giải pháp để kéo giãn thời hạn nộp thuế. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt nhưng không chịu nộp, chây ì thì phải có giải pháp kiên quyết, xử lý nghiêm”, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến đề cập.

Hiện, việc thu hồi nợ thuế được thực hiện theo hình thức giao chỉ tiêu cho từng cục thuế, nhất là những địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương. Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu đồng loạt như vậy cũng gặp không ít thách thức, bởi những địa phương khó khăn, doanh nghiệp đã phá sản, sản xuất đình trệ, không có nguồn để thu.

Ngay cả các biện pháp cưỡng chế nợ thông qua việc trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn của doanh nghiệp không còn giá trị sử dụng cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp có thể lách luật.

Theo quy định, trước khi thực hiện cưỡng chế, cơ quan thuế phải thông báo cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trước 5 ngày. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển tiền từ tài khoản đi nơi khác, khiến cơ quan thuế khó lòng thu hồi tiền nợ thuế.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhiều ngân hàng tham gia thu thuế điện tử, nhưng có thu được thuế hay không thì còn phụ thuộc vào doanh nghiệp và các biện pháp “mạnh tay” của cơ quan thuế.

“Hiện đã có khoảng 40 ngân hàng tham gia thu thuế điện tử. Thủ tục ngân hàng thì rất đơn giản, không có gì vướng mắc cả. Chỉ cần doanh nghiệp nộp tiền vào thì chỉ cần 1 phút là xong, là thu được. Nhưng cơ bản là doanh nghiệp chây ì không nộp. Do đó, cơ quan thuế phải phân nhóm, giám sát cũng như có chế tài mạnh hơn thì mới thu hồi, xử lý được nợ đọng”, ông Lực cho biết.

Tổng cục Thuế đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ đưa tỷ trọng nợ thuế có khả năng thu về dưới 5%, trên tổng thu ngân sách. Với con số 75.000 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong khi thời gian không còn nhiều, rõ ràng cần phải có những giải pháp quyết liệt.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, với biện pháp cưỡng chế hóa đơn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. Do đó, khi thực hiện, cơ quan thuế sẽ phải nghiên cứu kỹ, thận trọng để vừa đảm đúng quy định nhưng vừa tránh tiêu cực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động bình thường để có nguồn thu. Bên cạnh việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan công an, xử lý kiên quyết các đối tượng chây ỳ.

“Từ nay đến cuối năm sẽ tiến hành cưỡng chế, đôn đốc thu hồi nợ thuế. Cơ quan thuế tiếp rà soát, phân loại nợ phản ánh đúng các khoản nợ, phân tích và áp dụng từng biên pháp đôn đốc cưỡng chế cho phù hợp. Phối hợp với cơ quan liên quan như công an, Ngân hàng Nhà nước và kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thực hiện nhiều giải pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để thu hồi kịp thời nợ thuế vào ngân sách nhà nước”, ông Trí nói.     

Đây không phải là năm đầu tiên có số nợ đọng thuế lớn. Để thu hồi, xử lý hiệu quả nợ đọng thuế thì cần những giải pháp căn cơ. Theo đó cần thay đổi phương pháp quản lý và thu hồi nợ đọng, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình chây ì, không nộp thuế, nhằm hạn chế số nợ đọng thuế gia tăng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội công khai 152 doanh nghiệp nợ thuế, phí gần 190 tỷ đồng
Hà Nội công khai 152 doanh nghiệp nợ thuế, phí gần 190 tỷ đồng

VOV.VN -Cục Thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục công khai danh sách 152 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền nợ 184,19 tỷ đồng.

Hà Nội công khai 152 doanh nghiệp nợ thuế, phí gần 190 tỷ đồng

Hà Nội công khai 152 doanh nghiệp nợ thuế, phí gần 190 tỷ đồng

VOV.VN -Cục Thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục công khai danh sách 152 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền nợ 184,19 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nợ thuế không được cấp phép dự án mới
Doanh nghiệp nợ thuế không được cấp phép dự án mới

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội đối với những doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế đất. 

Doanh nghiệp nợ thuế không được cấp phép dự án mới

Doanh nghiệp nợ thuế không được cấp phép dự án mới

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội đối với những doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế đất. 

Nợ thuế: Nhiều doanh nghiệp cấp tài khoản “rỗng” cho cơ quan thuế
Nợ thuế: Nhiều doanh nghiệp cấp tài khoản “rỗng” cho cơ quan thuế

VOV.VN -Nhiều doanh nghiệp nợ thuế dù có nhiều tài khoản, nhưng tài khoản cung cấp cho cơ quan thuế lại có số dư rất ít, không thể cưỡng thu từ đó.

Nợ thuế: Nhiều doanh nghiệp cấp tài khoản “rỗng” cho cơ quan thuế

Nợ thuế: Nhiều doanh nghiệp cấp tài khoản “rỗng” cho cơ quan thuế

VOV.VN -Nhiều doanh nghiệp nợ thuế dù có nhiều tài khoản, nhưng tài khoản cung cấp cho cơ quan thuế lại có số dư rất ít, không thể cưỡng thu từ đó.