“Hợp tác công nghệ sẽ là đòn bẩy mới cho quan hệ kinh tế Việt-Pháp”
VOV.VN - Quan hệ kinh tế Việt Nam-Pháp đã phát triển mạnh trong vài năm qua nhưng đang cần đòn bẩy mới, trong đó công nghệ là một mảnh đất nhiều tiềm năng.
Năm 2013, hai nước Việt Nam và Pháp chính thức ký kết đối tác chiến lược, khẳng định việc hai nước quyết tâm tiến lên một tầm vóc cao hơn trong quan hệ song phương.
Về mặt kinh tế, quyết tâm đó đã phần nào được hiện thực hoá. Trong vòng 5 năm kể từ sau khi ký kết đối tác chiến lược, trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam đã tăng 50%, trong đó tăng trưởng ngoạn mục nhất là vào năm 2015 khi tăng đến 43,3% so với năm trước đó.
Trong hai năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt-Pháp tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng, lần lượt ở mức 9,2% năm 2016 và 7,9% năm 2017. Hiện tại, trao đổi thương mại hai nước đã đạt mức gần 7 tỷ euro, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 3,5 tỷ euro vào Pháp.
Ông Jean-Philippe Eglinger, chuyên gia kinh tế Pháp. |
Ngoài ra, trao đổi thương mại giữa hai nước phụ thuộc rất lớn vào hợp tác giữa các tập đoàn lớn trong hai lĩnh vực chủ chốt là công nghiệp hàng không và dược phẩm, như Airbus hay Sanofi. Riêng hai lĩnh vực này đã chiếm đến 61% trong trao đổi thương mại của Pháp với Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là làm sao phải đa dạng hoá được các hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước, nhất là giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực mới mà Pháp cũng như Việt Nam có thế mạnh và có thể bổ sung tốt cho nhau.
Ông Eglinger phân tích, có một số chỉ dấu để làm việc này. Nước Pháp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin mới và French Tech Vietnam thì cũng đã được thành lập. Đây là một đòn bẩy, một kênh đầu tư quan trọng bởi hiện đã có hơn 510 doanh nghiệp ghi tên vào đây và trong số khoảng 350 doanh nghiệp Pháp đăng ký tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, có 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin mới.
Có một tiềm năng thật sự dành cho các công ty phần mềm, hay các công ty phát triển về chính phủ điện tử hay start-up. Ngoài ra, còn khá nhiều khả năng hợp tác nữa trong lĩnh vực y tế, cụ thể như là việc cải tạo các bệnh viện tại Việt Nam”.
Cũng theo ông Eglinger, khả năng Việt Nam và Pháp nâng cao hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số trong thời gian tới sẽ định ra được khung tiêu chuẩn chung cho việc hợp tác song phương.
Tuy nhiên, để các tiềm năng hợp tác trong công nghệ hay kinh tế số đi đến thành công thì cả hai nước đều cần thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME), bởi đây là lực lượng năng động và linh hoạt trong hợp tác công nghệ, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, nhưng lại đang thiếu sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường./.
Hợp tác kinh tế Việt – Pháp: Cơ hội lớn đang chờ doanh nghiệp start-up