HSBC: Việt Nam vẫn nhiều tiềm năng tăng trưởng
VOV.VN -Theo HSBC, dù Hiệp định TPP thất bại thì Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh cao…
Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC công bố có đánh giá: Dù Hiệp định TPP thất bại nhưng Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh, dành nhiều cơ hội xuất khẩu có giá trị ở những ngành hàng thấp hơn cho các quốc gia khác mà trước đây hiếm cơ hội đạt được.
Xuất khẩu có vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Theo phân tích của HSBC, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại trong khu vực. Xuất khẩu cũng đóng vai trò chính của nhập khẩu. Trong thực tế, nhập khẩu thường vượt qua xuất khẩu, trừ một vài điểm phần trăm từ mức tăng trưởng GDP. Do đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh thật quan trọng.
Xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế VN (ảnh minh họa: KT) |
Hơn nữa, xuất khẩu cũng khuyến khích các hoạt động trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiên về xuất khẩu. Vai trò của xuất khẩu ở Việt Nam không hạn chế ở việc vượt qua hoạt động nhập khẩu; xuất khẩu còn đóng vai trò thúc đẩy đầu tư và giúp tạo ra thu nhập và tiêu thụ cao hơn.
Các chuyên gia của HSBC cũng lưu ý rằng, Hiệp định TPP đem lại rất nhiều cơ hội nếu đạt được. Mặc dù việc tiếp cận thị trường Mỹ được cải thiện là điểm thu hút chính, nhưng TPP cũng sẽ thúc đẩy hoạt động cải cách trong nước với mục tiêu tăng năng suất và tinh giản những nguyên tắc kinh doanh.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump thể hiện chính sách quản lý mới của ông mà theo đó sẽ gác lại việc tham gia hiệp định TPP. Mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi lớn nhất, nhưng nếu TPP dừng lại thì không phải tất cả đều mất hết. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn rất nhiều triển vọng. Chi phí gia tăng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với nhiều doanh nghiệp, và Việt Nam trở thành một đối thủ đáng gờm.
Bởi theo các chuyên gia HSBC, vị trí địa lý của Việt Nam là tầm quan trọng chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động trên địa bàn Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu lý tưởng để tiếp cận các thị trường trong khối ASEAN. Một thuận lợi khác nữa là Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, với mức lương thấp và kỹ năng tay nghề ngày càng cao.
Hơn nữa, ngoài TPP, Việt Nam đã là một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đánh giá rằng nếu thỏa thuận được quản lý tốt trong thập kỷ tới, AEC có thể thúc đẩy nền kinh tế khu vực tăng 7,1% từ nay đến năm 2025 và tạo thêm 14 triệu công ăn việc làm.
Và còn có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Hiệp định RCEP sẽ kết nối ba nền kinh tế đông dân nhất trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Hiệp định RCEP bao gồm những điều khoản thông thường của một hiệp định thương mại tự do như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và quyền bảo vệ tài sản trí tuệ. Mặc dù có những hạn chế nhưng Hiệp định RCEP sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới.
Thêm nữa, Hiệp định này sẽ cho phép sự hội tụ một cách hiệu quả những hiệp định đang có và từ đó loại bỏ hiệu ứng “tô mỳ”. Hiệu ứng “tô mỳ” lên quan đến sự tồn tại của những hiệp định song phương phức tạp khiến những điều khoản về xuất xứ, các mức thuế suất, những tiêu chuẩn… quá rắc rối và chồng chéo lên nhau, từ đó làm các doanh nghiệp khó có thể tận dung các hiệp định thương mại tự do ngay được.
Tiếp tục cải cách để tăng năng lực cạnh tranh
Mỹ và Trung Quốc đang là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Các chuyên gia HSBC cho rằng, nếu như Mỹ bắt đầu giảm việc nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó chưa hết khi Trung Quốc cũng có thể cảm thấy gánh nặng của lập trường hạn chế thương mại của Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu Việt Nam cũng sẽ giảm nhiều (đặc biệt là đối với các thành phần được sử dụng để tái xuất từ Trung Quốc đến Mỹ). Các tác động gián tiếp của chính sách thương mại hạn chế của Mỹ do đó cũng tạo một lực cản đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, HSBC cho rằng, Việt Nam hiện tại vẫn đi theo cam kết thực hiện cải cách cấu trúc. Quốc hội đã thông qua ba mục tiêu cải cách 2016-2020, liên quan đến đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính. Về mặt đầu tư công, Chính phủ được thiết lập để cải cách mạnh chi tiêu ngân sách, bảo đảm sự an toàn của đầu tư công và tình hình tài chính quốc gia.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước, mục tiêu là làm cho quá trình cải cách diễn ra "nhanh hơn và mạnh mẽ hơn" bằng cách thực hiện quá trình cổ phần hóa thật sự minh bạch và phù hợp với cơ chế thị trường. Các tổ chức tài chính sẽ tăng cường sức mạnh bằng cách đẩy nhanh tốc độ thoái vốn ở các khoản nợ xấu và có ít nhất 12 đến 15 ngân hàng thương mại phù hợp với các tiêu chuẩn Basel II.
Các chuyên gia HSBC tin rằng, nếu theo đuổi đúng lộ trình đó, những lợi ích đạt được từ quá trình cải cách này sẽ có kết quả tốt trong việc tăng cường các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Đổi lại, nền kinh tế sẽ không dễ bị ảnh hưởng trước những cú sốc bên ngoài.
Tính đến nay, nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại. Vị trí địa lý và kinh tế cùng với lực lượng dồi dào lao động trẻ có mức lương thấp và được trang bị nhiều kỹ năng đều được liên kết thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Các hiệp định thương mại tự do FTA có khả năng thúc đẩy các lợi ích này. Việt Nam đã ký 12 FTA và cam kết tăng cường hội nhập kinh tế theo các chương trình đã tham gia. Thực tế là việc Hiệp định TPP không được thực hiện sẽ là một sự mất mát, nhưng đó chính là điều mà Việt Nam cần phải vượt qua dựa trên vị thế cạnh tranh ấn tượng của mình./.