Huy động vàng trong dân: Dễ làm tiêu tán thành quả chống vàng hóa
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc huy động vàng trong dân là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế, làm tiêu tán thành quả chống vàng hóa, đô la hóa…
Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 tổ chức tại Hà Nội chiều 14/7, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế và là nguyên nhân chính khiến hiện tượng "vàng hóa" trở lại.
Các chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 tổ chức chiều 14/7 tại Hà Nội
TS. Thành dẫn số liệu của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, hiện người dân Việt Nam giữ khoảng 500 tấn vàng. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm cả tiền và vàng, tạo nguồn vốn phục vụ tăng trường kinh tế.
Theo TS. Thành, vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác, chỉ ưu việt hơn trong việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang chức năng lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn, dễ tổn thương.
Viện trưởng VEPR nhấn mạnh, đấy là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này tương tự như hiện tượng đô la hóa, khi các ngân hàng đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD.
Ông Thành nhấn mạnh vàng chỉ nên giữ vai trò là tài sản. Nếu muốn người dân không giữ hoặc giảm giữ vàng thì duy trì lãi suất tiền mặt cao, ổn định. Người ta sẽ bán vàng để tiền mặt.
Vị tiến sĩ này nêu quan điểm: một số ý kiến khác như đánh thuế vàng, nhưng đó là việc can thiệp không phù hợp. Không giao cho vàng chức năng lưu thông nhưng cũng không được đánh thuế.
Chia sẻ quan điểm với TS. Thành, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cũng không ủng hộ việc huy động vàng trong dân.
TS. Hồ cho rằng, nếu cố tìm mọi cách huy động, điều này đồng nghĩa với việc đánh mất thành quả bao năm duy trì sự ổn định của thị trường vàng. “Muốn huy động nguồn lực thì phải bằng cách tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, để người dân tự đầu tư. Người ta chưa tin vào thị trường thì sao người ta bỏ vàng ra được. Người ta không biết làm gì thì người ta mới giữ vàng. Việc huy động đó là điều không thực tế”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Nếu thực hiện huy động vàng, kim loại quý này sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống.
Huy động 500 tấn vàng trong dân: Mọi phương án đều phải cẩn trọng
Vấn đề huy động vàng trong dân lại trở nên “nóng” khi Hiệp hội kinh doanh vàng kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia với mục đích “đánh thức” hũ vàng khoảng 500 tấn vàng đang “ngủ yên” trong dân.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân bao gồm cả vàng và tiền nhằm tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế./.