IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
VOV.VN - Ngày 25/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay nhờ hoạt động kinh tế khả quan trong quý 1 vừa qua. Song tổ chức này cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kéo dài bất chấp khả năng phục hồi trong ngắn hạn, do vẫn còn tình trạng lạm phát, lãi suất cao và thắt chặt tín dụng.
Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ đạt 3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn ở mức 3% do các nền kinh tế phát triển giảm tốc. Theo đó, các mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2021 và năm 2022. Dự báo dựa trên cơ sở ngành dịch vụ phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhờ các nước đẩy mạnh hoạt động thu hút du lịch.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre Olivier Gourinchas nhấn mạnh: “Thực tế là chúng ta đã có một sự đột biến trong thương mại toàn cầu trong vài năm qua. Và nhất là trong khoảng một năm qua, những gì chúng ta đã thấy là sự quay trở lại với các ngành dịch vụ. Mọi người muốn ra ngoài, họ muốn đi du lịch và điều đó có nghĩa là nhu cầu về hàng hóa ít hơn, nhu cầu về dịch vụ nhiều hơn”.
MF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 lên 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự kiến đưa ra hồi tháng 4, nhờ lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý 1 và thị trường lao động vẫn mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới góp phần tăng thu nhập thực tế và hoạt động mua bán phương tiện. Theo đánh giá của IMF, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm đáng kể trong năm nay và năm tới.
IMF lần lượt nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Nga trong năm nay, viện dẫn dẫn thông tin tích cực gần đây của nền kinh tế Anh, song nhận định kinh tế Đức năm nay sẽ giảm 0,3% và Đức có thể là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) rơi vào suy thoái. IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023 xuống còn 1,4%, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã và đang đối mặt với những bất ổn liên quan tới động lực xuất khẩu yếu và các động thái thắt chặt kiểm soát tiền tệ toàn cầu.
Cho rằng thế giới hiện đang tốt hơn, sau khi Tổ chức Y tế thế giới chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì Covid-19, song IMF cũng chỉ rõ những yếu tố kiềm hãm tăng trưởng trong năm 2022 vẫn còn, như tình trạng lạm phát, lãi suất cao và thắt chặt tiếp cận tín dụng.
Dẫu vậy, IMF vẫn đưa ra dự báo bức tranh lạm phát toàn cầu cải thiện trong năm nay, với chỉ số giá tiêu dùng hiện được dự báo tăng 6,8%. Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF lưu ý rằng: "Có hai khía cạnh ở đây. Một là nếu chúng ta nhìn vào cuộc chiến chống lạm phát đang đè nặng lên tăng trưởng, dẫn tới việc các Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, thì có thể thấy tình trạng này có thể kéo dài cho đến khi lạm phát trở lại mức mục tiêu hoặc gần mức mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ mất một năm, một năm rưỡi nữa. Đến cuối năm 2024, 25 - lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương".
Theo IMF, lạm phát và căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đã phần nào giảm bớt, nhưng cán cân rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt vẫn nghiêng về phía tiêu cực và tín dụng bị thắt chặt.