Nga đình chỉ thanh toán các khoản đóng góp cho Hội đồng Nghị viện OSCE
VOV.VN - Ngày 3/4, Chủ tịch Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố, Hội đồng Duma Quốc gia đã quyết định đình chỉ việc nộp các khoản đóng góp cho ngân sách của Hội đồng Nghị viện (PA) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong năm 2023.
Theo Chủ tịch Duma quốc gia Nga V.Volodin, quyết định này là do Nga đang phải đối mặt với những nỗ lực can thiệp vào công việc của phái đoàn nước này. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không nên trả tiền cho thứ mà chúng tôi không tham gia. Nếu họ không cho phép làm việc cả trong năm nay, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại khoản phí đã thanh toán trước đó".
Vào tháng 11 năm ngoái, Ba Lan, nước chủ trì OSCE năm 2022, đã từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Nga và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (người đang chịu lệnh trừng phạt của EU) để tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Lodz. Matxcơva tuyên bố, biết quyết định này là "chưa từng có và mang tính khiêu khích." Vào tháng 2 năm nay, đại diện của 20 quốc gia thành viên OSCE đã kêu gọi Áo không cho các đại biểu Nga vào cuộc họp của Hội đồng Nghị viện OSCE tại Vienna. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg trước đó cho biết Vienna có nghĩa vụ cấp thị thực cho đại diện các nước tham gia tổ chức. Đại sứ Nga tại Áo Dmitry Lyubinskoy thông báo rằng, phái đoàn Nga cuối cùng đã đến phiên họp nhưng họ không được phép đặt hoa tại đài tưởng niệm những người lính Xô Viết - những người giải phóng.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov bày tỏ ý kiến rằng, OSCE đang mất dần hiệu quả do lập trường "đối kháng" với Nga. Còn Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, quá trình mở rộng của NATO đã làm giảm giá trị các nguyên tắc cơ bản trong công việc của OSCE.
OSCE là một tổ chức an ninh quốc tế được thành lập vào năm 1973. Nó bao gồm 57 quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina, Kazakhstan và các quốc gia khác./.