JICA quan ngại về phân bổ vốn cho Dự án tuyến metro số 1
VOV.VN - Việc thanh toán cho các nhà thầu đã bị ngưng từ nhiều tháng nay do việc phân bổ nguồn vốn không đủ nhu cầu.
Tại lễ lắp đặt hệ thống đường ray thuộc gói thầu số 3 “Mua sắm lắp đặt hệ thống cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng” thuộc tuyến metro số 1 do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) tổ chức ngày 24/10, đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mong muốn Chính phủ giải quyết vấn đề phân bổ nguồn vốn càng sớm càng tốt.
Ông Akito Takahashi, Phó Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, tuyến metro số 1 kết nối Bến Thành – Suối Tiên là rất quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố.
“JICA vui mừng khi nhận thấy các hạng mục xây lắp trên cao và đi ngầm đang có tiến triển tốt, hạng mục hệ thống đường ray đã hoàn tất công tác chuẩn bị để bước vào giai đoạn lắp đặt”, ông Akito Takahashi nêu rõ.
Hệ thống đường ray tuyến metro 1 đã hoàn tất công tác chuẩn bị để bước vào giai đoạn lắp đặt. |
JICA đánh giá cao sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND TP HCM, tạm thời ứng ngân sách để giảm nhẹ sức ép nợ đọng nhà thầu cho dự án. JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.
“Tại mốc tiến độ quan trọng của dự án ngày hôm nay, JICA kính đề nghị Chính phủ Việt Nam “xem xét với hoàn cảnh đặc thù của dự án và có biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề bổ sung kế hoạch vốn càng sớm càng tốt”, ông Akito Takahashi mong muốn.
Tuyến metro số 1 có 4 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), gồm 3 gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện. Đến nay, tổng khối lượng ước đạt 43%.
Theo kế hoạch tuyến metro số 1 sẽ đi vào khai thác vào năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị, việc thiếu vốn đã khiến cho tình hình hết sức căng thẳng, ở một số gói thầu đã thể hiện việc giãn tiến độ, nhà thầu đã giảm nhân công, rút bớt máy móc…
Ông Quang cũng cho biết, Ban xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, dùng hết mọi khả năng có thể có nhưng nếu không giải quyết được bài toán nguồn vốn phân bổ từ nguồn vốn ODA từ Trung ương sẽ rất khó khăn để đảm bảo tiến độ.
“Ban Quản lý mong muốn Quốc hội kỳ này sẽ thông qua được tổng mức đầu tư do Chính phủ trình, làm cơ sở việc phân bổ vốn ODA thuận lợi hơn. Hiện mọi người đang rất quyết tâm, lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội sẽ hết sức quan tâm để TP HCM không đơn độc trong khó khăn”, ông Quang cho biết.
Được biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu quốc hội TP HCM quyết tâm sẽ kiến nghị Quốc hội giải quyết bài toán vốn cho tuyến metro số 1./.
Tuyến metro 1 TPHCM: Đội vốn, nguy cơ vỡ kế hoạch về đích năm 2020