Kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp
VOV.VN - Sau hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một số kết luận về cuộc họp này.
Ngày 9/5/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tuyến giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Sau khi nghe các báo cáo, tham luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các ý kiến phát biểu của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tiêu biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội nước ta, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bước đầu ngăn chặn thành công không để lây nhiễm mới trong cộng đồng và được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, người dân đánh giá cao; đồng thời xác lập một “trạng thái bình thường mới”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế
Covid-19 là đại dịch, nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong phát triển kinh tế. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, chủ động đổi mới sáng tạo, đón thời cơ, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, lập thành tích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan liên quan tại Hội nghị theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt; triệt để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; báo cáo kịp thời các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư; khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là cấp cơ sở.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, tham luận của đại biểu, doanh nghiệp dự Hội nghị và thông qua kênh trực tuyến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó lưu ý một số nội dung:
Sớm kết thúc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đất nước.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành Chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết nêu trên sau khi được ban hành, trong đó có các giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách thủ tục kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, tăng cường hậu kiểm, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tận dụng tốt các cơ hội phục hồi nền kinh tế sau dịch; đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp và người lao động yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động lớn của dịch; xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh, đúng thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm làm chậm, mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
Yêu cầu các Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tạo ra một môi trường hết sức thuận lợi, thông thoáng, kịp thời cho doanh nghiệp phát triển, loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu tiếp cận gây khó dễ với doanh nghiệp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát, đề xuất gia hạn, miễn, giảm một số các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Bộ Công Thương có các giải pháp bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, khắc phục sự gián đoạn nguồn cung, củng cố thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh trở lại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để hỗ trợ thích ứng với các điều kiện, hoàn cảnh của “trạng thái bình thường mới”, sẵn sàng đón nhận dòng vốn và cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp FDI chuyển dịch tới Việt Nam.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường an ninh ổn định để nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được nhập cảnh vào Việt Nam, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tổng hợp những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp, sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào phương thức hợp tác công tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, hoàn thiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ trước ngày 16/5/2020./.