Kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm để phát triển nông nghiệp bền vững
VOV.VN - Trong chuỗi liên kết cần quan tâm đến mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó đặt hàng nông dân sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần.
Ngày 26/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ 10” với chủ đề “Kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm”.
Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả, rau hoa…
Tuy nhiên, việc kết nối nông sản và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng quốc tế còn thấp, chỉ đạt khoảng 15-20%; liên kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, tình trạng thâm canh quá mức cùng với lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến chất lượng nông sản…
Những yếu tố này đã dẫn đến sức cạnh tranh thị trường còn thấp, sản phẩm chủ yếu xuất thô, chưa tạo ra sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, giá trị xuất khẩu mang về chưa cao.
Cần có sự kết nối để tiêu thụ sản phẩm. |
Kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Để làm được điều này, theo các đại biểu, Nhà nước cần cải tiến hệ thống dịch vụ công ích, đào đạo tập huấn, khuyến nông, chính sách tín dụng nông nghiệp, khuyến khích phát triển các tổ chức nông dân tham gia hiệu quả chuỗi, xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển hệ thống hạ tầng chế biến, bảo quản tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, điều tiết và cung cấp hàng ổn định…
Theo Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, trong chuỗi liên kết cần quan tâm đến mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo để đặt hàng nông dân sản xuất sản phẩm thị trường cần. Nông dân cần có cách nhìn mới, định hướng mới, cách làm mới về phát triển trang trại, sản xuất nông sản; kết nối sản xuất với thị trường, đảm bảo đủ sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
“Trong chuỗi giá trị sản phẩm có 2 vòng tròn ở phía doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp là người đi tiên phong trên thị trường, doanh nghiệp là người đặt bài cho người sản xuất, còn việc tổ chức sản xuất có đạt được tiêu chuẩn hay không, có đến được với doanh nghiệp hay không phụ thuộc vào các hợp tác xã đảm nhiệm ở khâu đầu sản xuất, còn doanh nghiệp ở phía thị trường. Một chuỗi liên kết tốt phải đảm bảo theo sơ đồ đó. Đây là vấn đề chính trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên”, ông Lê Đức Thịnh nói./.
Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, câu chuyện thành công về liên kết sản xuất