Kết nối tiêu thụ nông sản không chỉ là "thuận mua, vừa bán"
VOV.VN - Kết nối tiêu thụ nông sản tốt sẽ góp phẩn thúc đẩy sản xuất an toàn, giá thành cạnh tranh, giảm thấp nhất việc được giá mất mùa, được mùa mất giá.
Khi hàng hóa Việt nói chung và hàng hóa nông sản thực phẩm nói riêng có chỗ đứng xứng đáng ở thị trường nội địa, cạnh tranh tốt với hàng ngoại nhập sẽ là tiền đề tốt để vươn ra xuất khẩu, khi Việt Nam đang gia nhập sâu vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tôn trọng sản phẩm của chính mình
Mặc dù vậy, để làm tốt hơn nữa vai trò cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong bối cảnh mới, đòi hỏi các nhà sản xuất, doanh nghiệp cung ứng và hệ thống tiêu thụ cần phải liên kết chặt chẽ hơn nữa, có như vậy mới tạo ra một hệ thống vững chắc cho hàng Việt, tạo lập vị thế mới trên thị trường.
Ngay như câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào hệ thống siêu thị, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Mega Market cho rằng, yêu cầu đầu tiên và cốt yếu phải có là thông tin về DN và những sản phẩm của DN đó. Những thông tin này cần phải được minh bạch, rõ ràng, đúng quy trình thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền.
“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những đối tác cung cấp sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận về vệ sinh ATTP như Global Gap, VietGap và những thông tin này yêu cầu phải rõ ràng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối đòi hỏi nhiều về quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm và ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có gắn với việc bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng”, ông Toàn cho biết.
Có chung quan điểm với ông Toàn, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BRG Retail nhận xét, mặc dù nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam rất ngon, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đón nhận nhưng thời gian qua vẫn rất khó đưa vào hệ thống siêu thị. Có nguyên nhân nghe rất đơn giản, đó là các hệ thống phân phối vẫn không quan tâm đến việc cần có 1 cơ quan kiểm nghiệm độc lập để xác nhận những sản phẩm đó đã đảm bảo về chất lượng, an toàn VSTP.
“Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng phải rất cần lưu ý đến việc đóng gói, bao bì tem nhãn đối với sản phẩm. Khi tham gia các hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành, nhiều sản phẩm của chúng ta vẫn được bao gói rất đơn sơ, để trong túi ni lông với một vài thông tin sơ sài về cơ sở sản xuất, số điện thoại liên lạc cũng không có,... Những sơ suất không đáng có như vậy chắc chắn sẽ khiến việc đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, siêu thị lớn của nước ngoài sẽ là rất khó”, ông Dũng chỉ ra.
Mặt khác cũng theo ông Dũng, quá trình từ sơ chế biến, đóng gói, lưu thông sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường phải trải qua cả một khoảng thời gian. Nếu bao bì không đảm bảo, sẽ không thể chắc chắn rằng sản phẩm đó dù được sản xuất tốt, nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại không đảm bảo chất lượng. Nếu quá trình đó có những rủi ro, đương nhiên các hệ thống siêu thị có hệ thống kiểm soát về chất lượng rất cao sẽ rất khó để chấp nhận sản phẩm cung ứng trong những lần sau.
Ngoài ra, hiện nay khi nhiều hệ thống siêu thị triển khai bán hàng đa kênh, chú trọng bán hàng online, người tiêu dùng không có cơ hội tương tác trực tiếp với sản phẩm, vì thế đòi hỏi các đơn vị cung cấp cũng như các đơn vị phân phối, phải đảm bảo cam kết một cách tốt nhất đối với những sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.
Tối kị cạnh tranh không lành mạnh
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối sản xuất – tiêu thụ một cách hiệu quả và vững chắc, nhân văn hơn và đúng pháp lý hơn.
“Điều quan trọng là hàng hóa giao dịch phải đảm bảo chất lượng ATTP với mức giá hợp lý được xã hội chấp nhận. Cái tâm của người sản xuất kinh doanh còn thể hiện ở chỗ, khi giao dịch mua bán với nhau, dù trực tiếp hay kinh doanh qua mạng cũng đều phải biết mình, biết người, không giành hết phần lớn lợi nhuận cho mình và đem lại thua thiệt cho đối tác”, ông Phú bày tỏ quan điểm.
Đặc biệt theo ông Phú, sản xuất kinh doanh phải kiên quyết khắc phục được việc những đơn vị có thể mạnh về quy mô bán lẻ và thương hiệu thường ép cấp, ép giá, ép chiết khấu của nhà cung ứng, của nhà sản xuất khi họ muốn gửi niềm tin vào siêu thị để xây dựng thương hiệu của mình một cách bền vững.
“Kết nối có tâm chính là làm sao để các sản phẩm sạch ngày càng xuất hiện nhiều trên kệ các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, các chợ truyền thống. Tránh tình trạng như hiện nay mới có khoảng 5-7% rau sạch, thịt sạch tiêu thụ ở các siêu thị còn lại phải bán trôi nổi ở ngoài thị trường. Người sản xuất không thu được giá trị tương ứng mà mình đã bỏ công để sản xuất.
Cũng theo ông Phú, quá trình kết nối giữa các bên trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông sản phải thực sự bền bỉ, liên tục, không nản chí, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn đều phải có nhau, cùng nhau vượt qua những trở ngại để phát triển.
Ngoài ra, kết nối tiêu thụ nông sản phải có những "bà đỡ" bằng sự hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. Khi đó sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường./.