Kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sau những nỗ lực vào phút chót
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác đã nhất trí kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2-4/11, tại tỉnh Nonthaburi của Thái Lan, các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác đã nhất trí kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực-RCEP.
Được bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 11/2012, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan. |
Tại Hội nghị cấp cao Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 3 diễn ra ngày 4/11 tại Thái Lan, các nhà lãnh đạo 16 nước tham gia đàm phán RCEP đã đồng ý trên nguyên tắc về các lời văn trong 20 chương của hiệp định, nhất trí kết thúc đàm phán và thúc đẩy ký kết RCEP trong năm 2020 tại Việt Nam.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu, với tổng dân số 3,56 tỷ người và tạo ra giá trị thương mại hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu.
Trong thời gian vừa qua, Ấn Độ tiếp tục nêu thêm nhiều đề nghị mới trong quá trình đàm phán, trong đó đã đưa ra thêm các yêu cầu thay đổi về nhiệm vụ cơ bản và các quy tắc cụ thể về sản phẩm. Theo nội dung đàm phán của Hiệp định, Ấn Độ sẽ cắt giảm thuế đối với hơn 90% các mặt hàng đối với hầu hết các quốc gia trong RCEP, ngoại trừ Trung Quốc, với một số mặt hàng sẽ giảm dần trong các khung thời gian 10 năm, 15 năm và 20 năm.
Ấn Độ lo ngại về những thỏa thuận của hiệp định này có thể dẫn đến tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc vào trong nước. Vì khi đó nền sản xuất nội địa sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ thấp và ảnh hưởng tới thị trường lao động, nhất tầng lớp người lao động nghèo.
Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2019, Thái Lan đã nỗ lực để các cuộc đàm phán RCEP, vốn kéo dài gần 7 năm qua với rất nhiều phiên họp, kết thúc trong năm 2019 nhân thời điểm diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các cấp cao liên quan.
Trong khi đó, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thảo luận tìm kiếm các giải pháp linh động trong nhiều lĩnh vực để xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia, nhằm thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định này tại Việt Nam trong năm 2020 khi nước ta đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Đây thực sự là một thông tin tốt lành và vui không chỉ cho ASEAN mà còn 6 nước đối tác của ASEAN cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới. Bởi vì kết quả này có ý nghĩa to lớn, với tầm vóc qui mô của khu vực kinh tế mới được hình thành, cũng như cả quá trình triển khai hoạt động đàm phán và thương thảo phức tạp nhưng cũng rất tích cực trong những năm vừa qua.
Điều này có ý nghĩa lớn đối với cấu trúc thương mại toàn cầu, trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp những khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặt ra những vấn đề lớn liên quan đến nền tảng hệ thống thương mại đa phương. Việc hình thành một cấu trúc mới của kinh tế và thương mại tại khu vực quan trọng thế giới trong RCEP là một thành tố mới, tiếp tục củng cố và tăng cường xu thế toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa thương mại và mang lại lợi ích chung cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển".
Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định./.
ASEAN cam kết ký hiệp định RCEP vào năm 2020