Khai mạc Lễ hội cà phê Ban Mê Thuột lần thứ 4

(VOV) - Lễ hội là dịp để người trồng, doanh nghiệp chế biến có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để phát triển bền vững ngành cà phê.

Tối 9/3, Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ 4 với chủ đề “Cà phê Buôn Mê Thuột – Liên kết để phát triển” đã chính thức khai mạc tại Quảng trường 10-3 thành phố Buôn Mê Thuột. Tham dự Lễ khai mạc có Đại tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đại diện các Bộ, ban ngành, các vị khách quốc tế.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột


Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk nói riêng, khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới, tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, nâng cao chất lượng hiệu quả của sản xuất, chế biến, xuất khẩu, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam, cà phê Buôn Mê Thuột. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội nói chung, ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến nói riêng phát triển nhanh và bền vững.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả mà Đắk Lắk đã đạt được trong đó có việc phát triển ngành sản xuất và chế biến cà phê trong những năm qua, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần huy động sự quan tâm, đóng góp đồng bộ của người dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các cấp quản lý để nhằm mục tiêu: Việc trồng cà phê là bền vững về môi trường và kinh tế thông qua việc sử dụng giống cà phê có năng suất và chất lượng cao; áp dụng các giải pháp chăm sóc hiện đại, tiết kiệm nước.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, để cà phê trở thành ngành kinh tế có hiệu quả cao, cần chuyển từ việc chủ yếu trồng và xuất khẩu cà phê nhân sang vừa xuất khẩu cà phê nhân, vừa chế biến cà phê thành sản phẩm cuối cùng như: cà phê hạt, cà phê hòa tan, cà phê lỏng cô đặc, bánh kẹo sữa cà phê… đồng thời phát triển ngành công nghiệp phân bón và chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, chế biến cà phê.


Phó Thủ tướng cũng đưa ra so sánh giữa ngành sản xuất cà phê và ngành dệt may. Trong khi dệt may phải nhập máy móc, thiết bị, vật tư chiếm 51% nhưng vẫn tạo ra giá trị mới gấp 1,5 lần so với ngành sản xuất cà phê vốn chủ động từ khâu sản xuất giống đến khâu chế biến thành phẩm. Nếu chúng ta áp dụng công nghệ cao cho cây cà phê; chế biến cà phê nhân thành sản phẩm cuối cùng thì một lao động Việt Nam ở ngành cà phê có thể thu nhập cao hơn, vượt lao động ở ngành dệt may.

Lễ hội cà phê Ban Mê Thuột lần thứ 4 từ 9-12/3 có vai trò quan trọng để giới thiệu các điển hình, các phương pháp trồng cà phê hiện đại, hiệu quả cao, tiết kiệm nước, khuyến khích tuyên dương các doanh nghiệp chế biến cà phê… Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có thể trao đổi kinh nghiệm, phối hợp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội chợ triển lãm ngành hàng cà phê
Hội chợ triển lãm ngành hàng cà phê

(VOV) - 221 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều tổ chức, đơn vị tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại 720 gian hàng.

Hội chợ triển lãm ngành hàng cà phê

Hội chợ triển lãm ngành hàng cà phê

(VOV) - 221 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều tổ chức, đơn vị tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại 720 gian hàng.