Khai thác hiệu quả tài nguyên từ kinh nghiệm của Australia
VOV.VN - Chuyên gia ngành mỏ hàng đầu Australia đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển khoáng sản bền vững cho Việt Nam
Trong 2 ngày 29 và 30/6, các chuyên gia ngành mỏ hàng đầu thế giới của Trung tâm Khai Mỏ vì Sự Phát triển Quốc tế của Australia, đã có mặt tại Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo Phát triển Khoáng sản Bền vững Việt Nam - Australia. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Chính phủ Australia và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ Australia tại Việt Nam Hugh Borrowman.
Đại sứ Hugh Borrowman chia sẻ, việc khai thác mỏ bền vững phụ thuộc vào sự kiểm soát tốt các vấn đề an toàn và sức khỏe cho người lao động, cũng như tối ưu hóa việc khai thác các nguồn khoáng sản, hay còn gọi là hiệu quả khai thác tài nguyên.
Bởi vậy, Hội thảo Phát triển Khoáng sản Bền vững Việt Nam - Australia nhằm cung cấp cái nhìn khái quát nhất về tính cấp thiết của sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp mỏ; giới thiệu về kinh nghiệm hàng đầu thế giới của Australia, đánh giá các chính sách và luật lệ khai khoáng quan trọng trên đất liền, trên biển và trong quá trình đóng cửa mỏ; đánh giá các vấn đề phát triển bền vững trong bối cảnh ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam.
Việt Nam có 2 ví dụ điển hình về việc khai thác mỏ được quản lý với đẳng cấp quốc tế - đó là dự án khai thác vôn-fram ở mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) của Công ty Khoáng sản Masan thuộc Tập đoàn Masan, và Mỏ Niken Bản Phúc vận hành bởi Công ty Khoáng sản Châu Á (Asian Mineral Resources - AMR) – nắm giữ 90% cổ phần và công ty cổ phần COXAMA của Việt Nam – với 10% cổ phần.
Cả hai dự án Núi Pháo và Bản Phúc đều được quản lý bởi các ban giám đốc do người Australia đứng đầu. Hai khu mỏ này đều áp dụng các kinh nghiệm quản lý mỏ bền vững, quy trình và các công nghệ khai mỏ cũng như dịch vụ phụ trợ của Australia.
Dominic Heaton, Giám đốc Điều hành của Công ty Khoáng sản Masan thuộc Tập đoàn Masan, đồng thời là công ty mẹ của dự án mỏ Núi Pháo cho biết: “Chương trình phục hồi kinh tế tại dự án mỏ Núi Pháo đang vận hành tốt, mang lại các kết quả tích cực cho người dân địa phương. Trong năm 2014 chúng tôi đã thu hút sự tham gia tích cực hơn từ các cộng đồng dân cư địa phương trong việc phát hiện các tác động tiêu cực, và tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề đó. Mỏ Núi Pháo là đơn vị ngành mỏ duy nhất được nhận giải thưởng Doanh nghiệp Tiêu biểu tại Lễ trao Giải Doanh nghiệp Tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương, và một giải thưởng về Phát triển Xanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2015”.
Còn ông Evan Spencer, Công ty Khoáng sản châu Á cho biết: “Một nhân tố quan trọng làm nên thành công của mỏ Bản Phúc chính là cam kết đối với sự phát triển, huấn luyện và sự tham gia của lực lượng lao động địa phương. Hiện đội ngũ nhân công của mỏ Bản Phúc bao gồm 93% là người địa phương. Con số này còn đang tiếp tục tăng. Chúng tôi tự hào đã thích nghi với văn hóa bản địa để có thể đảm bảo sự thành công của chương trình, cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định”.
Vào tháng 10/2013, dự án mỏ Bản Phúc đã xuất khẩu sản phẩm Niken tinh luyện ra thị trường quốc tế, đưa Việt Nam vào bản đồ của các nhà sản xuất niken mới nổi. Hiện mỏ Bản Phúc vẫn đang tiếp tục sử dụng công nghệ hiện đại trong việc tìm kiếm niken tại các khu vực được cấp phép để đảm bảo tuổi thọ và sự tăng trưởng tối ưu của mỏ./.